NƠI KHỞI THỦY
Trước đây có nhiều người cho rằng sông Đăk Bla (dài 139 km) bắt nguồn từ chân núi Ngọc Linh ở H.Tu Mơ Rông (Kon Tum) và kết thúc khi nhập vào dòng Sê San. Thế nhưng gần đây các nhà nghiên đã cứu xác định nơi khởi thủy của sông Đăk Bla không nằm ở H.Tu Mơ Rông.
Ông Phạm Bình Vương, Phòng Di sản - Sở VH-TT-DL tỉnh Kon Tum, cho hay khởi nguồn của sông Đăk Bla là dòng Đăk Snghé. Sông Đăk Snghé bắt nguồn từ xã Măng Bút (H.Kon Plông) và thuộc dãy núi đông Trường Sơn.
Từ chân núi Ngọc Mên, nơi giáp ranh giữa Kon Tum và Quảng Nam chảy ra một dòng suối nhỏ. Dòng suối ấy nhập vào hai con suối nhỏ khác ở xã Măng Bút tạo nên dòng Đăk Snghé. Qua hết xã Măng Bút đến xã Đăk Tăng, dòng Đăk Snghé bị chặn lại, phình to ra và trở thành lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum. Phía sau lòng hồ, sông Đăk Snghé bất ngờ chuyển hướng sang tả ngạn rồi đổ dốc xuống địa phận H.Kon Rẫy. Tại đây dòng Đăk Snghé gặp dòng Đăk Kôi từ hướng tây nhập vào. Chảy tiếp chừng 5 km nữa lại gặp dòng Đăk Pne từ hướng đông bên tả ngạn hòa chung. Từ đây con sông có tên gọi mới là Đăk Bla.
Sau khi nhận nước từ các phụ lưu, sông Đăk Bla mở rộng dòng, băng qua các làng mạc yên ả, thanh bình của người dân tộc Xơ Đăng, Rơ Ngao, Bana. Tại nơi giáp ranh giữa Kon Tum và Gia Lai, con sông này kết hợp với dòng suối Pơ Tơng từ phía nam đổ về.
Từ đầu nguồn Măng Bút đến TP.Kon Tum, sông Đăk Bla vẫn chảy theo hướng bắc - nam. Thế nhưng khi hợp dòng với suối Pơ Tơng, sông đột ngột đổi hướng chảy về tây, bắt đầu hành trình chảy ngược của mình.
Về đến TP.Kon Tum, do địa hình bằng phẳng, sông Đăk Bla chảy chậm lại. Phù sa từ con sông mở rộng ra tạo thành một vùng đồng bằng ngút ngàn tầm mắt. Đồng bằng này cũng chính là nền móng để tiền nhân lựa chọn xây dựng nên đô thị Kon Tum.
Cắt ngang qua đồng bằng rộng lớn này, dòng Đăk Bla êm đềm uốn lượn qua trung tâm TP.Kon Tum. Nhìn từ trên cao, dòng Đăk Bla như một dải lụa bạc ấp ôm lấy phố núi có lịch sử hàng trăm năm tuổi. Cứ thế, Đăk Bla trôi đến Gia Lai, hợp lưu với dòng Pô Kô rồi hình thành sông Sê San và tiếp tục hành trình chảy về phía Campuchia.
SỰ TÍCH DÒNG SÔNG CHẢY NGƯỢC
Là một người đam mê nghiên cứu văn hóa dân tộc tại Kon Tum, nhà văn Tạ Văn Sỹ, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Kon Tum, biết khá nhiều sự tích về dòng Đăk Bla.
Ông Sỹ cho hay từ ngàn xưa các dân tộc Bana, Xơ Đăng, Jrai, Rơ Ngao… sống dọc theo lưu vực sông Đăk Bla đã dệt nên nhiều câu chuyện truyền kỳ đầy vẻ tâm linh, huyền bí.
Chuyện kể rằng thuở xa xưa, sông Đăk Bla còn chảy xuôi về hướng đông như bao sông suối khác. Lúc bấy giờ chiến tranh bộ lạc còn hoành hành khắp xứ sở Tây nguyên. Một làng người Jrai bên hữu ngạn phía thượng nguồn và một làng Bana bên tả ngạn phía hạ nguồn có mối thù không đội trời chung.
Nhưng oái oăm thay, một chàng trai bên làng Jrai và cô gái bên làng Bana lại yêu nhau tha thiết. Hai người biết là làng sẽ chẳng cho họ thành đôi, mà rời xa nhau thì chẳng đặng. Tuyệt vọng, chàng và nàng hẹn nhau vào một đêm trăng sáng cùng ra bờ sông phía làng mình đâm dao tự sát rồi nhào xuống sông để cùng trôi về nơi không còn thù hận. Dòng máu của chàng trai trôi xuôi về đông tìm người thương.
Lạ lùng thay, dòng máu cô gái lại bơi ngược dòng chảy, lặng lẽ trườn về hướng tây để tìm chàng trai. Khi 2 dòng máu đến gần, chúng cuộn vào nhau thành xoáy nước và cuốn luôn cả dòng sông cùng trôi về hướng tây. Sáng hôm sau, bà con 2 bên bờ vô cùng ngạc nhiên khi thấy con sông thân thuộc bao đời nay bỗng chảy về tây và dòng nước ngầu đục phù sa như màu máu đỏ.
Khi biết sự việc, 2 làng thức tỉnh, liền gạt bỏ hận thù, kết nghĩa anh em, sống hòa hiếu yên lành. Sông từ ấy cứ chảy ngược về tây, không đổi dòng được nữa.
Một truyền thuyết khác cũng rất được yêu thích. Chuyện kể rằng xưa có đôi vợ chồng sống ở một làng Bana ven sông Đăk Bla. Vì vợ chồng hiếm muộn, người chồng lén lút vụng trộm để kiếm con. Trong cơn ghen tức và tuyệt vọng, vào một đêm trăng mùa bão lũ, người vợ chèo thuyền độc mộc ra giữa dòng sông. Nàng ngước nhìn trăng buông lời nguyền độc: "Khi tôi chết, sông hãy mang xác tôi về nơi vô định và trên dòng nước này hằng năm phải có đàn ông chết đuối để trả mối hận tình". Nói xong, nàng nhào xuống dòng sông cuồng nộ.
Sau khi vợ chết, người chồng mới tỉnh ngộ nhưng chỉ còn những hối hận muộn màng. Năm sau, cũng mùa bão lũ, người chồng chèo xuồng ra sông quăng lưới. Dưới ánh trăng bàng bạc, gương mặt người vợ hiện ra chập chờn, hư ảo. Người chồng chèo thuyền đuổi theo bóng vợ để nói lời tạ tội nhưng không sao bắt kịp. Chiếc xuồng trôi nhanh trên sông rồi vỡ tan khi va vào tảng đá. Người chồng cũng chìm dần vào dòng nước lạnh. Từ đó, cứ vào mùa mưa lũ là hầu như đều có đàn ông chết đuối trên sông. Năm nào thấy nước dâng cao sắp làm lũ lớn, người ta lại kháo nhau: Chắc chưa có người đàn ông chết đuối.
HÌNH THÀNH ĐÔ THỊ
Nhìn ở góc độ khoa học, Đăk Bla như một yếu tố quan trọng để hình thành những cộng đồng người. Từ đó mới hình thành nên phố núi Kon Tum như ngày nay.
Nghệ nhân ưu tú A Jar, người biên dịch hơn 30 sử thi các dân tộc Tây nguyên, cho hay trong các sử liệu cổ, dòng Đăk Bla có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống của người dân tại Kon Tum.
Theo ông A Jar, dòng Đăk Bla uốn quanh bồi đắp phù sa màu mỡ trong hàng ngàn năm đã tạo cho TP.Kon Tum một vùng đồng bằng rộng lớn.
"Trong sử thi của người Bana, Xơ Đăng, những cộng đồng sống dọc sông Đăk Bla rất giàu mạnh. Họ dựa vào đồng bằng do sông Đăk Bla bồi đắp để trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản. Có thể nói sông Đăk Bla là yếu tố tạo nên sự trù phú của vùng đất Kon Tum", ông A Jar nói.
Trải qua những biến động, thăng trầm của lịch sử, đồng bào các dân tộc tụ hội về đây ngày một đông. Thành phố trù phú này trở thành vùng đất cộng cư của nhiều dân tộc.
Không chỉ là tiền đề hình thành đô thị, dòng Đăk Bla còn được xem là dòng sông năng lượng khi gánh trên mình hàng loạt thủy điện. Những dòng năng lượng chảy suốt ngày đêm đã đem lại nguồn thu ngân sách không nhỏ cho tỉnh.
Cũng trên dòng sông này, đoạn chảy qua H.Kon Rẫy và TP.Kon Tum tạo ra nhiều ghềnh thác cùng các bãi cát trải dài. Một số bãi phù sa màu mỡ được bồi đắp qua năm tháng và những cảnh đẹp tự nhiên của dòng sông dần được tìm thấy. Đây chính là điều kiện thuận lợi để phát triển các hoạt động du lịch trải nghiệm, khám phá…
Dọc theo triền sông Đăk Bla, đã có nhiều ngôi làng được quy hoạch để phát triển du lịch theo hướng trải nghiệm, khám phá. Hàng ngàn người dân bản địa đã có thể sống tốt với ngành dịch vụ này. Đó có lẽ là món quà tuyệt vời mà con sông mang lại cho người dân nơi đây.
Bình luận (0)