Ngày 14.5, ông Mai Trọng Dũng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, Ủy viên thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Đắk Lắk, cho biết tình hình khô hạn vẫn tiếp diễn khốc liệt trên địa bàn tỉnh.
Từ giữa tháng 4 đến nay, trên địa bàn xuất hiện một số đợt mưa giông nhưng diện mưa hẹp nên hạn hán và thiếu nước vẫn đang xảy ra trên diện rộng. Hiện mực nước trên các sông trên địa bàn tỉnh phổ biến duy trì mức thấp, lượng dòng chảy thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ đến 30%.
Vùng đầu nguồn của sông suối thuộc các huyện Krông Bông, Ea H'Leo, Cư M'gar, Buôn Đôn, Ea Súp tiếp tục xảy ra khô hạn; nhiều sông, suối nhỏ bị cạn kiệt. Hạn hán đã ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Theo thống kê tại 431 hồ chứa, hiện có 74 hồ đã cạn nước, 178 hồ có dung tích hiện dưới 50%, 99 hồ có dung tích từ 50% đến dưới 70%...
Tính đến giữa tháng 5, trên địa bàn Đắk Lắk có khoảng 5.100 ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng nặng do khô hạn, thiếu nước. Trong đó, có 2.757 ha cà phê, cây ăn quả các loại, hơn 1.800 ha lúa, còn lại là hoa màu. Krông Năng là huyện có diện tích bị hạn nhiều nhất, hơn 1.200 ha, chủ yếu là cà phê (990 ha).
Cũng theo ông Dũng, mực nước ngầm trên địa bàn tỉnh có xu thế hạ, thấp hơn từ 1,55 - 2,02 m so với tháng 4. Mùa mưa năm này khả năng bắt đầu trễ hơn so với trung bình nhiều năm, xuất hiện vào khoảng nửa cuối tháng 5. Do đó, từ nay đến cuối vụ dự báo lượng mưa có thể thiếu hụt, tình trạng hạn hán tiếp tục xảy ra trên diện rộng với tổng diện tích bị ảnh hưởng có thể lên đến 8.000 ha.
Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Đắk Lắk đã tích cực chỉ đạo triển khai các biện pháp chống hạn, thiếu nước. Nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh đã thực hiện đắp đập tạm để giữ nước, lắp đặt các trạm bơm dã chiến bơm nước từ sông suối và từ dung tích chết của hồ chứa. Một số địa phương đào giếng trong lòng hồ đã khô cạn để tận dụng tối đa nguồn nước; đào, khoan giếng để khai thác nước ngầm phục vụ chống hạn…
Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng, do đặc thù với diện tích cây công nghiệp dài ngày của tỉnh rất lớn (gần 368.000 ha) nên việc chủ động kế hoạch sản xuất phù hợp với nguồn nước vào những năm hạn hán gặp nhiều khó khăn.
"Hệ thống công trình thủy lợi hiện có chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ tưới cho diện tích cây trồng cần tưới trên địa bàn tỉnh, nhất là vào thời kỳ cuối vụ, khi các nguồn nước đã cạn kiệt. Mặt khác, kinh phí phục vụ chống hạn và khắc phục hậu quả thiên tai còn rất hạn chế, ảnh hưởng công tác chống hạn của các địa phương", ông Dũng đánh giá.
Điêu đứng vì thiếu nước tưới, nông dân bất lực nhìn vườn cà phê héo úa
Bình luận (0)