Đắk Lắk: Làm rõ thông tin voi bị 'hành hạ' trong khi chở khách du xuân

09/02/2022 15:57 GMT+7

Một người bày tỏ nỗi xót xa trên mạng xã hội khi chứng kiến cảnh voi nhà phục vụ khách du lịch ở Đắk Lắk bị điều khiển bằng móc sắt khiến phần tai và đầu có nhiều vết thương.

Chiều 9.2, ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi (TTBTV) Đắk Lắk, cho biết đơn vị đã cử cán bộ đến H.Lắk và H.Buôn Đôn nắm tình hình để báo cáo vụ việc đến Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đắk Lắk liên quan thông tin voi bị hành hạ, bị đánh khi cõng khách du xuân.

Trước đó, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện bài viết của du khách N.N.A phản ánh việc đến du lịch tại H.Lắk bắt gặp cảnh voi vất vả cõng khách du lịch. Bài viết mô tả mỗi nài voi đều cầm theo trên tay một cây gậy có móc sắt dùng móc vào đầu, tai voi nhằm điều khiển hướng đi khiến đầu con voi nào cũng chằng chịt vết thương mới và cũ.

Kèm theo bài viết, du khách N.N.A đăng tải nhiều hình ảnh về việc voi bị thương vẫn phải cõng khách du lịch.

Hình ảnh đầu voi có vết thương rỉ máu khi cõng khách du lịch được chia sẻ trên mạng xã hội

ảnh chụp màn hình

Bài viết của du khách N.N.A. đã nhận được hàng trăm bình luận, chia sẻ. Đa số các ý kiến đều mong muốn tỉnh Đắk Lắk sớm có biện pháp để chấm dứt mô hình du lịch cưỡi voi.

Chưa có quy định cấm du lịch cưỡi voi

Liên quan đến hướng chấm dứt hoạt động du lịch cưỡi voi, ông Trần Xuân Phước cho biết cuối năm 2021 vừa qua, Tổ chức động vật châu Á (AAF) đã ký kết hợp tác với UBND tỉnh Đắk Lắk về việc xây dựng, triển khai mô hình du lịch sinh thái thân thiện với voi, hướng tới chấm dứt sử dụng loại hình du lịch cưỡi voi cũng như các hoạt động ảnh hưởng đến phúc lợi của voi nhà trong du lịch và lễ hội…

Cảnh voi nhà cõng khách du lịch vẫn chưa chấm dứt ở Đắk Lắk

trung chuyên

Tuy nhiên, theo ông Phước, hiện ký kết trên đang ở giai đoạn đầu, phía AAF đang tìm các nguồn hỗ trợ để có kinh phí hỗ trợ cho voi, chủ voi. “Hiện chưa có quy định nào cấm chủ voi không được cho khách du lịch cưỡi voi. Chỉ khi AAF có hỗ trợ, những nội dung đã ký kết với UBND tỉnh được kích hoạt thì mới có quy chế để ràng buộc chủ voi, hướng tới mô hình du lịch thân thiện với voi”, ông Phước chia sẻ.

Hiện trên thực tế, hầu hết các chủ voi ở Đắk Lắk chưa thể thực hiện du lịch voi thân thiện. Anh Y.V, một chủ voi tại H.Lắk, cho rằng anh chưa nhận được hỗ trợ nào theo nội dung ký kết giữa AAF và UBND tỉnh. Do đó, để có thu nhập trang trải cuộc sống, đồng thời có tiền mua thức ăn cho voi trong mùa khô, anh V. cũng như những chủ voi khác phải chấp nhận đưa voi cõng khách du lịch. “Nếu được hỗ trợ để chuyển sang mô hình du lịch thân thiện với voi, tôi cũng như các chủ voi khác đều sẵn sàng thực hiện”, anh Y.V nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.