Theo phản ánh của nhiều người nhà và bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) vùng Tây Nguyên (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), thời gian qua, phía BV thiếu rất nhiều loại thuốc nên người bệnh điều trị tại đây thường xuyên phải ra ngoài mua thuốc.
Dò hỏi từng quầy thuốc
Có mặt trước cổng BVĐK vùng Tây Nguyên vào ngày 29.12, PV Thanh Niên ghi nhận nhiều người dân đeo thẻ thăm nuôi bệnh nhân nối chân nhau ra khỏi bệnh viện, trên tay ai nấy đều cầm theo đơn thuốc (do bác sĩ kê đơn) tất tả qua đường tìm đến các quầy thuốc bên ngoài.
Một quầy thuốc ở TP.Buôn Ma Thuột đông người mua |
hoàng bình |
Trên đường Trần Quý Cáp, đối diện với BVĐK vùng Tây Nguyên có 4 quầy thuốc. Tuy nhiên, một số loại thuốc tại đây cũng không có như đơn bác sĩ kê. Sau khi cầm đơn thuốc lần lượt vào từng quầy thuốc dò hỏi nhưng vẫn chưa mua đủ như đơn bác sĩ kê, người dân phải tiếp tục di chuyển lên khu vực ngã sáu (trung tâm TP.Buôn Ma Thuột, nơi có những nhà thuốc lớn) để tiếp tục tìm mua thuốc.
Rời khỏi quầy thuốc cuối cùng trước cổng bệnh viện, bà M.T.T (người thăm nuôi bệnh nhân) liền rút điện thoại, gọi thông báo cho bệnh nhân gắng chờ thêm một lúc vì cả 4 quầy thuốc bà T. vào đều không có thuốc như đơn.
“Bác sĩ kê đơn, mình xuống quầy thuốc trong bệnh viện mua, không có thì ra ngoài. Giờ cả 4 quầy thuốc ở đây đều không có thuốc như đơn, tôi phải lên khu vực ngã sáu”, nói xong, bà T. tất tả sang đường, vẫy một chiếc xe ôm chở đi mua thuốc.
Người dân mua thuốc tại một cửa hàng dược ở ngã sáu TP.Buôn Ma Thuột |
hoàng bình |
Tương tự, anh N.T.T. (thăm nuôi bố ruột ốm), bước ra khỏi một quầy thuốc rồi ngó trước nhìn sau, tiếp tục tìm nơi để mua thuốc vì còn thiếu. Anh T. cho hay anh đã vào hết 2 quầy thuốc, tính cả quầy của bệnh viện nữa là 3 quầy nhưng chưa mua đủ loại thuốc như đơn bác sĩ kê. “Bác sĩ kê thuốc gì mình cũng không rõ, đọc không ra, chỉ biết là thuốc để tiêm. Nếu đi hết các quầy ở đây mà không có thì phải tìm mua ở chỗ khác”, anh T. trao đổi.
Vì sao thiếu thuốc?
Ông Nguyễn Đại Phong, Giám đốc BVĐK vùng Tây Nguyên, thừa nhận hiện bệnh viện thiếu một số loại thuốc điều trị nên bệnh nhân hoặc người thăm nuôi phải ra ngoài mua.
Theo ông Phong, việc ra ngoài mua thuốc chủ yếu xảy ra với bệnh nhân điều trị ngoại trú; còn bệnh nhân điều trị nội trú thi thoảng mới phải ra ngoài mua. “Quầy thuốc của bệnh viện không được phép mua thuốc tự do giống quầy thuốc tư nhân, mà phải mua đúng theo giá thầu nên thiếu một số mặt hàng thuốc. Thiếu thuốc thì báo chí nói nhiều rồi, vấn đề này xảy ra nhiều nơi chứ không phải riêng Đắk Lắk”, ông Phong nói.
Một đơn thuốc bác sĩ kê được người dân mang đi tìm mua thuốc cho bệnh nhân |
Hoàng bình |
Trong báo cáo mới nhất gửi UBND tỉnh Đắk Lắk, Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, hiện gói đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương năm 2022-2023 đã thực hiện được 70-80% công việc đấu thầu.
Sở Y tế Đắk Lắk cho biết đã và đang tập trung nhân lực thực hiện gấp rút để các công ty có thể cung ứng được trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Tuy nhiên, Sở Y tế Đắk Lắk dự đoán có thể số lượng các mặt hàng chỉ trúng được khoảng 30-40% vì giá quá thấp, nhiều công ty không tham gia, hoặc có tham gia nhưng không trúng thầu.
Cũng theo Sở Y tế Đắk Lắk, hiện gói đấu thầu thuốc cấp địa phương được giao cho các cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh thực hiện. Tuy nhiên, có quá nhiều mặt hàng rớt thầu hoặc không có nhà thầu tham gia; đặc biệt là các thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, thuốc cấp cứu vì số lượng ít, giá kế hoạch thấp, chi phí vận chuyển cao. Do đó vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu thuốc tại một số cơ sở khám chữa bệnh.
Sở Y tế Đắk Lắk cho rằng, hiện công tác đấu thầu thuốc còn một số bất cập về hành lang pháp lý, giá cả và nhân lực.
Theo Sở Y tế Đắk Lắk, đấu thầu thuốc là một công việc phức tạp, đòi hỏi phải nắm kiến thức sâu về Luật đấu thầu và các văn bản có liên quan. Trong khi đó, đội ngũ y tế được đào tạo kiến thức chuyên môn về y dược, để nắm bắt về đấu thầu cần phải có thời gian tìm hiểu, học hỏi và được đào tạo.
Thế nhưng, công tác đầu thầu thuốc hầu như diễn ra quanh năm, cần nhiều nhân lực. Hơn thế, mỗi một mặt hàng thuốc là một gói thầu, khi xét thầu có tới 15 tiêu chí kỹ thuật phải rà soát; 100% các cơ sở khám chữa bệnh công lập trong tỉnh phải thực hiện công tác đấu thầu thuốc, gây ra rất nhiều lãng phí và bất cập.
Ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, trao đổi: “Bà con phản ánh thiếu thuốc là đúng. Hiện ngành y tế tỉnh vẫn kiểm soát được tình hình nhưng có một số thiệt thòi đối với bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân có bảo hiểm y tế. Hiện chúng tôi đã báo cáo tỉnh và và có những kiến nghị gửi đến Bộ Y tế để tháo gỡ vướng mắc trong công tác đấu thầu thuốc”.
Cán bộ y tế ngại tham gia đấu thầu thuốc
Báo cáo của Sở Y tế Đắk Lắk còn đánh giá trong giai đoạn gần đây, các cán bộ y tế tham gia công tác đấu thầu thuốc đều có tâm lý e ngại và không muốn làm công việc này vì có quá nhiều rủi ro và vô cùng áp lực, tâm lý hoang mang, lo sợ. Nhiều nơi, các cán bộ y tế sẵn sàng nghỉ việc khi được giao nhiệm vụ tham gia công tác đấu thầu thuốc. "Hệ thống luật pháp với các quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế chưa hoàn chỉnh, các cán bộ y tế không dám làm vì nếu làm lại sợ sai phạm, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc xảy ra trên cả nước, trong đó có Đắk Lắk”, báo cáo này nhận xét.
Bình luận (0)