Đây là những nút thắt làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án nói riêng và giải ngân vốn đầu tư của tỉnh Đắk Nông nói chung.
Gặp khó vì vướng nhiều thứ
Đắk Nông là tỉnh có trữ lượng bô xít lớn, với trữ lượng chiếm 2/3 tổng trữ lượng cả nước, trải rộng trên hầu hết diện tích của tỉnh, ước tính chiếm khoảng 1/3 diện tích tự nhiên toàn tỉnh (2.372,2 km2). Hiện nay, tỉnh Đắk Nông đang gặp khó khăn vướng mắc trong việc triển khai một số dự án trong khu vực quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến bô xít như các dự án trọng điểm của tỉnh, dự án đường giao thông tại các huyện, các dự án xây dựng cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo…
Theo Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông (BQL), toàn tỉnh hiện có 15 dự án vướng mắc, gặp khó; trong đó, có 3 dự án quy hoạch nguồn đất đắp chồng lấn quy hoạch bô xít, 7 dự án vướng giải phóng mặt bằng, 5 dự án vướng nguồn vốn đối ứng của tỉnh.
Đơn cử như dự án quảng trường trung tâm TP.Gia Nghĩa (tổng mức đầu tư 400 tỉ đồng) hiện gặp khó khăn vì thiếu đất đắp. Nhu cầu đất đắp vùng lõi quảng trường còn khoảng 130.000 m3 nhưng trên địa bàn TP.Gia Nghĩa không có dự án có đất dôi dư, hoặc nếu có cũng bị vướng quy hoạch bô xít nên chưa xác định nguồn đất đắp. Đối với 9 mỏ đất trên địa bàn TP.Gia Nghĩa đã được tích hợp trong quy hoạch tỉnh thì có đến 8 mỏ đã vướng quy hoạch bô xít.
Bên cạnh đó, dự án Đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê giai đoạn 2 (tổng mức đầu tư 830 tỉ đồng) có nguồn vốn từ T.Ư và ngân sách địa phương hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn. Kế hoạch vốn được giao năm 2023 đến kỳ báo cáo là 150 tỉ đồng từ nguồn ngân sách T.Ư, nhưng hiện chỉ giải ngân 27,4 tỉ đồng/150 tỉ đồng, đạt 18,3%. Hiện nay, dự án đang tổ chức thi công đối với các đoạn tuyến đã được bàn giao mặt bằng; đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các đoạn còn lại. Tuy nhiên, hiện dự án đang được xác định nằm trong khu vực có quy hoạch thăm dò bô xít nên không thể xác nhận đăng ký khai thác đất dẫn đến đã dừng thi công nền đường, chỉ thi công một số hạng mục bê tông...
Tập trung tháo gỡ
Để đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội, phát triển cơ sở hạ tầng và tăng cao hiệu quả sử dụng đất ở các khu vực có quy hoạch thăm dò, khai thác bô xít và quản lý khai thác khoáng sản bô xít chưa khai thác, thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành có liên quan:
- Nghiên cứu có định hướng, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án cấp thiết cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nằm trong khu vực quy hoạch bô xít và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, đảm bảo tính pháp lý để tỉnh Đắk Nông triển khai các công trình, đặc biệt là các công trình, dự án thuộc danh mục đầu tư công trung hạn; các dự án lớn, quan trọng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đang triển khai đầu tư; các công trình, dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
- Xem xét, ủy quyền cho UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nằm trên khu vực có chứa khoáng sản bô xít, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện dự án.
- Có cơ chế đặc thù cho tỉnh Đắk Nông cấp xác nhận bản đăng ký khu vực, khối lượng, công suất khai thác có lẫn với bô xít làm vật liệu san lấp trong khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình để phục vụ cho công trình có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: đường giao thông, các công trình phúc lợi xã hội..., đặc biệt là tuyến cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa.
- Hướng dẫn công tác thăm dò, khai thác các mỏ đất làm vật liệu san lấp, mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác bô xít hoặc phát hiện có bô xít.
Về tỉnh Đắk Nông, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc khi triển khai các công trình trọng điểm, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông đã nhiều lần đi thực tế và tổ chức các cuộc họp để mổ xẻ, tìm cách gỡ rối các vấn đề. Mới nhất, ngày 12.9, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã chủ trì làm việc với BQL về tình hình thực hiện các dự án do đơn vị làm chủ đầu tư. Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hồ Văn Mười cho rằng, ngoài những yếu tố khách quan, vấn đề quan trọng vẫn là cơ chế phối hợp. Các sở, ban, ngành liên quan phải cùng nhau vào cuộc để giải quyết các khó khăn; trong đó công tác phối hợp phải chặt chẽ, kịp thời để quyết tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, rào cản trong từng công trình, dự án.
Đánh giá về công tác giải phóng mặt bằng, ông Mười nhìn nhận các địa phương cần thay đổi cách vận động để người dân hiểu. Nhân dân ủng hộ nhiều bao nhiêu, thành công của tỉnh cao bấy nhiêu. Các ban, ngành, đoàn thể phải cùng vào cuộc để nâng cao hiệu quả công tác vận động. Cái gì phát sinh, vướng mắc phải báo cáo UBND tỉnh ngay để có hướng chỉ đạo tháo gỡ. Bên cạnh đó, BQL phải báo cáo tiến độ công trình thường xuyên cho Chủ tịch UBND tỉnh kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện dự án đúng tiến độ.
Bình luận (0)