Đắk Nông: Chuyển đổi số là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội

09/08/2022 12:24 GMT+7

Chuyển đổi số là xu hướng mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các cấp, ngành, địa phương, tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Chuyển đổi số là xu hướng mở ra nhiều cơ hội để phát triển

Đưa chuyển đổi số đến cộng đồng, người dân

Thực hiện theo Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 1.11.2021 của Tỉnh ủy Đắk Nông về chuyển đổi số giai đoạn 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025 tại Quyết định số 570/QĐ-UBND ngày 21.3.2022 của UBND tỉnh, thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng nhằm đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội. Sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, Đắk Nông đã và đang từng bước xây dựng Chính quyền số theo hướng hiện đại. Việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và thực thi công vụ ngày càng hiệu quả, tăng tính công khai, minh bạch trong giải quyết công việc, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, 6 tháng đầu năm 2022, đã có 19/19 sở, ban, ngành ban hành kế hoạch thực hiện chuyển đổi số trong năm 2022; trong đó, 16/19 đơn vị ban hành kế hoạch chuyển đổi số lồng ghép với kế hoạch phát triển chính quyền số, ứng dụng công nghệ thông tin, 9/19 đơn vị ban hành kế hoạch riêng về chuyển đổi số, 16/19 sở, ban, ngành đã thành lập Ban/Tổ chỉ đạo chuyển đổi số.

Ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông phát biểu tại Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực chuyển đổi số

Về kinh tế số, tỉnh Đắk Nông đã lên kế hoạch phát triển doanh nghiệp số cũng như hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuyển đổi số; thực hiện hỗ trợ đưa hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, đặc biệt là các hàng nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP, VIETGAP,... lên sàn 2 thương mại voSo.vn và postmart.vn. Đến nay, địa phương đã hỗ trợ lên sàn thương mại điện tử cho 630 sản phẩm, trong đó có 47/52 sản phẩm OCOP và 583 sản phẩm nông nghiệp khác; tổng số hộ sản xuất nông nghiệp đã được số hóa thông tin là 111.390 hộ, đạt 92,8% (Số liệu của Cục Thống kê trên địa bàn tỉnh khoảng 120.000 hộ sản xuất nông nghiệp).

Về xây dựng xã hội số, tỷ lệ phủ sóng 4G đến 97% thôn, buôn; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối băng rộng cố định đạt 50,65%; tỷ lệ người dân sử dụng internet đạt 73,08%; tỷ lệ thuê bao điện thoại thông minh 88,74%. Đồng thời, các ngành, đơn vị, địa phương đang thúc đẩy phương thức thanh toán số không dùng tiền mặt trong các đơn vị trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện và cơ sở y tế.

Tỉnh Đắk Nông đặt mục tiêu trong 3 năm tới sẽ có 10% số lượng hội chợ, triển lãm trên địa bàn tỉnh sẽ được tổ chức trên môi trường số; 100% các tổ chức xúc tiến thương mại; 200 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh... được tham gia tập huấn, hướng dẫn, cập nhật các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại và bảo đảm an toàn thông tin.

Quyết tâm đạt mục tiêu

Tại Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực chuyển đổi số của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân - hướng đến một Quốc gia số toàn diện tại Đắk Nông, do UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp với Trường đại học RMIT (TP.HCM) tổ chức vào đầu tháng 8.2022, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, khẳng định: “Chuyển đổi số là yếu tố quan trọng trong quá trình thúc đẩy sự phát triển của tỉnh, của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân. Muốn làm tốt nhiệm vụ này, điều quan trọng nhất là vai trò của người đứng đầu chính quyền, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp”.

Theo kế hoạch, 6 tháng cuối năm 2022, Đắk Nông sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động, giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn. Tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND cấp huyện chưa có công chức có trình độ từ đại học chuyên ngành Công nghệ thông tin trở lên tham mưu chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị có kế hoạch tuyển dụng trong đợt thi tuyển công chức, đảm bảo nhân lực tham mưu chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị. Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở TT-TT cân đối, tham mưu UBND tỉnh bố trí tối thiểu 1% ngân sách sự nghiệp hằng năm, bảo đảm giao nhiệm vụ, dự toán có trọng tâm, trọng điểm để các sở, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Tiếp tục thực hiện rà soát, chuẩn hóa, đơn giản hóa quy trình giải quyết các thủ tục hành chính của tỉnh đảm bảo phù hợp với hình thức dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến…

Hội nghị có hơn 1.500 cá nhân tham gia bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp

Bên cạnh đó, UBND tỉnh chủ trì, phối hợp Sở TT-TT đôn đốc, đẩy mạnh tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4. Trong đó, chỉ tiêu hồ sơ tiếp nhận, giải quyết trực tuyến được giao đến tận cấp xã, phường; có chính sách khuyến khích sử dụng DVCTT như giảm thời gian xử lý, giảm lệ phí xử lý, dừng tiếp nhận hồ sơ giấy đối với một số loại hình DVCTT phù hợp. Ngoài ra, đối với các địa phương thí điểm chuyển đổi số như TP.Gia Nghĩa, H.Đắk Mil sớm triển khai thành lập, bồi dưỡng, tập huấn các Tổ công nghệ số cộng đồng theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông để hỗ trợ người dân 1 sử dụng các nền tảng số Việt Nam.

Ngày 8.8, Bộ TT-TT đã công bố bảng chấm điểm chuyển đổi số (DTI) năm 2021. Theo đó, chỉ số đánh giá chuyển đổi số của tỉnh Đắk Nông năm 2021 xếp ở vị trí 41/63 tỉnh, thành (tăng 13 bậc so với năm 2020). Đây là tín hiệu đáng mừng đối với một tỉnh non trẻ như Đắk Nông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.