Đa dạng tài nguyên khoáng sản
Nằm ở phía nam khu vực Tây nguyên, Đắk Nông là tỉnh có tài nguyên khoáng sản khá đa dạng. Trên địa bàn tỉnh có 16 loại khoáng sản, trong đó một số loại có trữ lượng lớn như bô xít, cao lanh, puzơlan, nước khoáng, đá quý...
Bô xít là một trong những loại khoáng sản có trữ lượng và diện tích lớn. Theo quy hoạch của Chính phủ, bô xít tại Đắk Nông được quy hoạch thành 13 khu vực mỏ. Các mỏ được phân bố ở một số huyện: Đắk Glong, Đắk Song, Đắk R’lấp, Tuy Đức và TP.Gia Nghĩa. Trữ lượng và tài nguyên dự báo khoảng 1.436 tỉ tấn tinh quặng, tương đương 3.425 tỉ tấn quặng nguyên khai, hàm lượng nhôm đạt trên 40%. Một số loại khoáng sản quý hiếm như vàng, đá quý bích ngọc, đá saphir, opal… phân bổ rải rác ở H.Đắk Song, H.Đắk Glong và Đắk Mil.
Đắk Nông có nhiều mỏ đá bazan quy mô lớn. Tại một số khu vực có xuất hiện đá dạng cột, có giá trị kinh tế cao. Nhóm khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường còn có các mỏ cát quy mô lớn. Các mỏ cát này tập trung chủ yếu tại khu vực sông Krông Nô, giáp ranh giữa Đắk Nông và Đắk Lắk.
Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên đất sét cũng khá phong phú. Nổi bật là sét cao lanh làm gốm sứ cao cấp tập trung ở H.Đắk Glong và TP.Gia Nghĩa. Đất sét phân bố rải rác ở một số địa phương có thể khai thác công nghiệp, sản xuất gạch, ngói. Nhiều khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng, gạch… như puzơlan, đá bazan.
Theo Sở TN-MT Đắk Nông, toàn tỉnh có trên 160 điểm và mỏ khoáng sản. Ngành công nghiệp khai thác khoáng sản đã có những đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo ra nguồn nguyên vật liệu phục vụ các dự án công trình trọng điểm, hạ tầng kỹ thuật, góp phần thu ngân sách...
Định hình trung tâm công nghiệp
Sau 5 năm đi vào vận hành sản xuất thương mại, hiện Nhà máy Alumin Nhân Cơ do Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư, hoạt động tương đối ổn định. Năm 2017, nhà máy sản xuất được 501.000 tấn alumin và đạt 77% công suất thiết kế. Sản lượng năm 2018 là 652.000 tấn và năm 2019 là 686.000 tấn. Năm 2020, vượt qua nhiều khó khăn, Nhà máy Alumin Nhân Cơ đạt sản lượng trên 715.000 tấn. Dự kiến năm nay sản lượng đạt khoảng 710.000 tấn.
Nhà máy Alumin Nhân Cơ đi vào hoạt động đã khai thác được tiềm năng bô xít của Đắk Nông |
Ảnh: Lê Min |
Theo kế hoạch của TKV, đến năm 2025, đơn vị sẽ đầu tư mở rộng, nâng công suất Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ lên 2 triệu tấn alumin/năm, với vốn đầu tư khoảng 850 - 900 triệu USD. Đến năm 2030, TKV sẽ triển khai các bước, chuẩn bị đầu tư dự án Nhà máy sản xuất alumin thứ 2 với công suất từ 2 - 3 triệu tấn alumin/năm, vốn đầu tư khoảng 2 - 3 tỷ USD.
Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông với công suất 450.000 tấn sản phẩm nhôm/năm, tổng mức đầu tư khoảng 15.480 tỉ đồng đã được triển khai gần cạnh Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Hiện dự án cơ bản đã thi công xong phần hạ tầng và đang chuẩn bị lắp đặt máy móc, thiết bị.
Đắk Nông đặt mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp bô xít - nhôm trong tương lai |
Ảnh: Lê Min |
Việc triển khai đầu tư 2 dự án trên là bước ngoặt mang tính nền tảng quan trọng đối với ngành công nghiệp khai khoáng ở Đắk Nông. Theo kế hoạch phát triển ngành công nghiệp của tỉnh Đắk Nông, đến năm 2030, tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp bô xít - nhôm quốc gia.
Để thực hiện mục tiêu này, Đắk Nông tập trung huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển ngành công nghiệp. Trước hết, tỉnh tập trung phát triển công nghiệp alumin, điện phân nhôm và xem đây là trụ cột của nền kinh tế tỉnh; ưu tiên phát triển đồng bộ các thành phần kinh tế, nhất là xây dựng được một số doanh nghiệp công nghiệp lớn để dẫn dắt, làm đầu tàu phát triển công nghiệp.
Sản phẩm alumin tại Nhà máy alumin Nhân Cơ được đóng bao, chuẩn bị xuất khẩu |
Ảnh: Phan Lê |
Đại diện tỉnh Đắk Nông cho biết, việc đầu tư xây dựng Nhà máy Alumin Nhân Cơ và dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông là hướng đi đúng định hướng, chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Khi tổ hợp 2 nhà máy này cùng vận hành, sẽ tác động rất lớn đến phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, tạo đột phá về xây dựng hạ tầng cho Đắk Nông nói riêng và Tây nguyên nói chung. “Đắk Nông có tiềm năng lớn về khoáng sản bô xít. Việc khai thác có hiệu quả tài nguyên này sẽ giúp Đắk Nông từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vươn lên thoát nghèo và từng bước trở thành trung tâm luyện kim màu lớn nhất của cả nước”, đại diện tỉnh Đắk Nông cho biết thêm.
Bình luận (0)