Công viên địa chất (CVĐC) Đắk Nông được UBND tỉnh Đắk Nông thành lập ngày 31.12.2015, có diện tích 4.760 km2, trải dài trên địa phận 6 huyện, thị xã (Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G'long và TX.Gia Nghĩa). Theo thông tin từ Ban quản lý CVĐC Đắk Nông, lịch sử của vùng đất này bắt nguồn từ 140 triệu năm trước. Do các vận động kiến tạo của lớp vỏ Trái Đất, khu vực này được nâng lên và xuất hiện núi lửa. Chính hoạt động phun trào núi lửa đã che phủ đến một nửa diện tích khu vực này bởi các lớp dung nham bazan. Đáng ngạc nhiên là cách đây khoảng 10.000 năm, núi lửa vẫn còn hoạt động, tạo nên hệ thống hang động núi lửa độc đáo, đồ sộ nhất khu vực Đông Nam Á.
Đến nay, trong CVĐC Đắk Nông đã phát hiện 5 núi lửa, gồm: Núi lửa Nâm Dơng, núi lửa Băng Mo (H.Cư Jút), núi lửa Nâm Blang, núi lửa Nâm Kar (H.Krông Nô) và núi lửa Nâm Gle (H.Đắk Mil). Các núi lửa trên đều hoạt động theo kiểu phun trào, phun nổ hoặc đồng thời cả phun trào và phun nổ, hoặc phun trào khe nứt.
![]() Hang C7 có chiều dài 1.067 m, được xác định là hang động dung nham dài nhất Đông Nam Á CVĐC Đắk Nông |
Một hang động núi lửa khác phải nhắc đến là hang C6.1. Đây là hang động được các nhà khoa học phát hiện ra dấu tích người tiền sử sinh sống. Vì thế, hang có giá trị hỗn hợp về mặt địa chất và cổ nhân học. Bên trong hang thành tạo từ dòng dung nham nóng chảy để lại nhiều ngấn dung nham trên tường hang, các cửa sổ dung nham, kệ dung nham… cùng thạch nhũ nguyên sinh và thứ sinh lưu lại rất đa dạng. Theo ông Tôn Ngọc Bảo, đại diện nhóm chuyên gia tư vấn (Ban quản lý CVĐC Đắk Nông), việc phát hiện di cốt người tiền sử có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là lần đầu tiên giới khoa học Việt Nam phát hiện ra các di tích cư trú của người tiền sử trong các hang động núi lửa, bổ sung một loại hình cư trú mới, một kiểu thích ứng mới của cư dân tiền sử ở vùng đất đỏ bazan Tây nguyên. Trong hang động núi lửa còn lưu dấu tích văn hóa, mộ táng và các hoạt động sống của các bộ lạc thời tiền sử. Đây là di sản hỗn hợp được đánh giá là duy nhất ở Đông Nam Á, cũng rất hiếm gặp trong các hang động núi lửa trên thế giới. Hang C6.1 đã được Bộ VH-TT-DL cấp phép khai quật khảo cổ.
![]() Cửa vào hang động núi lửa C3 Phan Lê |
![]() Bên trong hang động núi lửa C3 Phan Lê |
![]() Cấu tạo tiêu biểu trong hang động núi lửa CVĐC Đắk Nông |
Bình luận (0)