Đầm An Khê trong không gian văn hóa Sa Huỳnh: Bảo vệ di sản đầm An Khê

13/07/2022 06:46 GMT+7

Những địa điểm văn hóa Sa Huỳnh khu vực đầm An Khê không chỉ là nguồn tài nguyên khảo cổ học mà còn là tài nguyên di sản cần được bảo tồn và phát huy giá trị.

Tại hội nghị tham vấn “Về vai trò của đầm An Khê với không gian văn hóa của cư dân Sa Huỳnh cổ và đánh giá tác động của dự án điện mặt trời (ĐMT) trên đầm An Khê, TX.Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi”, do Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi tổ chức ngày 1.7, PGS-TS Nguyễn Khắc Sử, nghiên cứu viên cao cấp, thành viên Hội Khảo cổ học VN, có ý kiến như sau: “Trong những năm gần đây, ĐMT phát triển mạnh ở VN, đóng góp vào an ninh năng lượng quốc gia và giảm thải khí nhà kính. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống ĐMT trên mặt đầm An Khê là tác động trực tiếp đến không gian sinh tồn của cư dân văn hóa Sa Huỳnh, vốn còn nằm trong lòng đất. Để xây dựng ĐMT như đóng cọc trong lòng đất, lòng đầm để đỡ các các tấm lưới sắt lợp kín mặt đầm, xây dựng trạm thu phát điện, cột tải điện và các công trình hạ tầng khác đi kèm, những hoạt động này làm biến đổi hoàn toàn không gian sinh tồn của văn hóa Sa Huỳnh, làm mất đi tính chân xác, tính nguyên vẹn của di sản, trực tiếp xâm hại hoặc xóa bỏ vĩnh viễn di sản văn hóa Sa Huỳnh ở đây”.

PGS-TS Bùi Văn Liêm phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, thay mặt địa phương, ông Vũ Minh Tâm, Phó bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND TX.Đức Phổ, cho biết: “Dự án Nhà máy ĐMT trên đầm An Khê, nếu thi công lắp đặt các tấm panel thu năng lượng mặt trời và xây dựng công trình vận hành, quản lý dự án thì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái đầm nước ngọt cũng như cảnh quan chung của đầm An Khê. Vậy nên, việc đề xuất đầu tư bên trong và xung quanh khu vực di tích phải được xem xét, đánh giá thật cẩn trọng, khoa học, trên nhiều phương diện, với tầm nhìn về lợi ích trong dài hạn; ưu tiên bảo vệ di tích, bảo tồn không gian văn hóa; tránh các tác động can thiệp, phá vỡ không gian, tác động xấu đến cảnh quan, môi trường khu vực di tích, đồng thời cũng tính đến các đề xuất đầu tư phát triển nhằm phát huy giá trị di tích”.

Trong tham luận của mình, PGS-TS Bùi Văn Liêm, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia (DSVHQG), người có nhiều năm tham gia khai quật ở Quảng Ngãi và khảo sát nghiên cứu tại Sa Huỳnh - đầm An Khê, lưu ý: “Những địa điểm văn hóa Sa Huỳnh khu vực đầm An Khê không chỉ là nguồn tài nguyên khảo cổ học, cung cấp những giá trị khoa học cho những nghiên cứu khảo cổ học mà chúng còn là tài nguyên di sản cần được bảo tồn và phát huy giá trị nhằm nâng cao nhận thức và giá trị cho cộng đồng.

Đánh cá trên đầm An Khê

Nguyên Tú

Trong lịch sử bảo tồn di sản, ban đầu đối tượng của bảo tồn chỉ là các di vật, cổ vật, sau đó cùng với sự thay đổi của nhận thức, đối tượng cần được bảo tồn bao gồm các di tích, địa điểm. Đặc biệt, đến những năm 1990, Ủy ban Di sản thế giới đã thông qua cảnh quan văn hóa như là một loại tài sản bổ sung vào danh sách Di sản thế giới (Graeme Aplin 2007). Cho tới nay, khi bảo tồn các di tích, chúng luôn được đặt trong mối quan hệ với bối cảnh tự nhiên và tạo thành các cảnh quan văn hóa. Ngày càng có xu hướng xác định các khu vực lớn hơn như các thị trấn lịch sử hoặc cảnh quan văn hóa hơn là các công trình và di tích đơn lẻ, điều này rõ ràng sẽ làm tăng sự đa dạng của các bên liên quan chịu trách nhiệm về bảo tồn và phát triển của họ”.

Ông Trần Hoàng Tuấn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi, chủ trì hội nghị

PGS-TS Bùi Văn Liêm cũng được ủy quyền truyền đạt ý kiến của GS-TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng DSVHQG: Hội đồng DSVHQG, giới khảo cổ học trong nước rất thấu hiểu và chia sẻ với tỉnh Quảng Ngãi về những chủ trương thể hiện khát vọng vươn lên của Đảng bộ và người dân tỉnh Quảng Ngãi, đồng thời cũng nhận thấy ý thức tôn trọng, bảo vệ di sản văn hóa rất được đề cao ở Quảng Ngãi, thể hiện trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua. Vì vậy, Hội đồng DSVHQG đề nghị nghiên cứu, chuyển dịch dự án ĐMT ra khỏi khu vực đầm An Khê, tạo điều kiện để Sở VH-TT-DL hoàn chỉnh hồ sơ Di tích văn hóa Sa Huỳnh trình Bộ VH-TT-DL để Bộ đề nghị Chính phủ ra quyết định công nhận Di sản quốc gia đặc biệt; tiếp theo đó là xây dựng hồ sơ trình UNESCO xếp hạng Di sản văn hóa thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.