Lần đầu áp dụng điểm ưu tiên mới trong tuyển sinh đại học 2023
CĂN CỨ ĐIỀU CHỈNH CÁCH CỘNG ĐIỂM ƯU TIÊN
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD-ĐT, quy chế tuyển sinh Bộ GD-ĐT ban hành năm 2022 tiếp tục được áp dụng. Các trường ĐH, CĐ tuyển sinh ngành GD mầm non (gọi chung là trường ĐH) ban hành quy chế tuyển sinh cụ thể hóa quy chế của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, năm nay có một điểm mới là quy định mới về điểm ưu tiên có hiệu lực. Cụ thể, điểm ưu tiên đối với thí sinh (TS) đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần; TS được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và 1 năm kế tiếp.
Trong phiên thảo luận của hội nghị, PGS Nguyễn Hữu Công, Phó giám đốc ĐH Thái Nguyên, bày tỏ băn khoăn về việc Bộ GD-ĐT quy định mức điểm xét tuyển bắt đầu giảm dần điểm ưu tiên là 22,5 điểm. PGS Công đặt vấn đề: "Căn cứ nào để Bộ đưa ra con số 22,5 điểm chứ không phải con số khác, chẳng hạn như 20 điểm? Vì với 20 điểm, việc tính toán để xác định điểm ưu tiên sẽ dễ hơn chứ không lẻ như với 22,5 điểm".
Trước câu hỏi này, ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết để quyết định mức 22,5 điểm thì bắt đầu áp dụng giảm đều điểm ưu tiên, Bộ đã căn cứ vào con số thực tế điểm trúng tuyển của TS các năm trước, cũng như phổ điểm thi các khối thi kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm tương ứng. Từ đó, Bộ GD-ĐT đưa ra công thức để tính điểm ưu tiên. Ông Sơn nói: "Việc tính điểm ưu tiên sẽ do máy móc tính trên hệ thống, cứ áp công thức vào mà tính thôi. Máy tính chứ không phải con người tính nhẩm, nên không cần phải lo điểm lẻ quá khó tính".
NHIỄU THÔNG TIN VÌ "NHIỀU PHƯƠNG THỨC TUYỂN SINH"
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, một hạn chế của kỳ tuyển sinh năm 2023 là có quá nhiều phương thức tuyển sinh, gây nhiễu cho TS trong quá trình đăng ký xét tuyển và điều chỉnh nguyện vọng.
Một số trường áp dụng cùng lúc quá nhiều phương thức, trong khi đó một số phương thức xét tuyển chưa hiệu quả, số TS nhập học rất ít so với chỉ tiêu cũng như trong tổng số TS nhập học. Bà Thủy nêu ví dụ: có trên 200 lượt phương thức xét tuyển không có TS nhập học, trên 100 lượt phương thức có số TS nhập học dưới 10%.
Hệ lụy của thực tế trên không chỉ không hiệu quả trong tuyển sinh mà còn gây nhiễu loạn thông tin cho TS. Mặt khác, vẫn còn một số TS chọn nhầm phương thức xét tuyển; gặp một số khó khăn trong truy nhập hệ thống nộp lệ phí trực tuyến. Một số trường xét tuyển nhưng không báo cáo đầy đủ kết quả lên hệ thống theo quy định. Việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong xét tuyển ở một số nơi còn chưa kịp thời, gây bức xúc cho TS và xã hội.
Theo bà Thủy, các trường nên chủ động đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo từng phương thức xét tuyển để đánh giá hiệu quả phương thức xét tuyển, làm sao để giải trình được với xã hội công bằng giữa các phương thức xét tuyển.
THẾ NÀO LÀ QUYỀN TỰ CHỦ TRONG TUYỂN SINH?
Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng, ĐH Quốc gia TP.HCM, không hoàn toàn đồng ý với nhận định của bà Thủy về việc có quá nhiều phương thức tuyển sinh nên gây nhiễu, và cũng không đồng ý về cách đánh giá tính hiệu quả của các phương thức tuyển sinh.
Tiến sĩ Chính chia sẻ: "Bộ GD-ĐT đặt vấn đề là chúng ta có quá nhiều phương thức xét tuyển từ đó gây nhiễu thông tin, trong đó có một số phương thức xét tuyển không mang lại kết quả tốt. Nhưng có những phương thức xét tuyển mang tính đặc thù của mỗi trường ĐH. Ví dụ, ĐH Quốc gia TP.HCM có phương thức xét tuyển thẳng một em học sinh giỏi nhất của mỗi trường THPT. Nếu xét về số chỉ tiêu tuyển được thì năm vừa rồi phương thức này không hiệu quả lắm, nhưng khi sử dụng phương thức này là chúng tôi muốn chuyển tải thông điệp ĐH Quốc gia TP.HCM muốn thu hút nhân tài. Tương tự, mỗi trường sẽ chọn một số phương thức có ý nghĩa với trường mình. Nếu chúng ta chỉ dựa vào số lượng chỉ tiêu tuyển được để nói rằng nó không hiệu quả, là không chính xác. Và cũng không nên yêu cầu các trường dẹp bỏ những phương thức mà Bộ GD-ĐT cho rằng không hiệu quả nhưng có ý nghĩa, và có tính đặc thù đối với trường".
Tiến sĩ Chính cũng cho rằng hạn chế sự lựa chọn của TS và giảm sự tự chủ của trường ĐH. "Nên chăng mở rộng quyền cho TS lựa chọn, cho các em 2 - 3 - 4 lựa chọn rồi cuối cùng mới chọn học một ngành nào đó. Cách hiện nay hiệu quả về mặt kiểm soát nhưng ít hiệu quả về độ tự chủ và sự lựa chọn của TS", ông Chính nhấn mạnh.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay khi đánh giá về các phương thức tuyển sinh, Bộ GD-ĐT dựa vào nhiều căn cứ chứ không chỉ dựa vào chỉ tiêu tuyển được. Bộ đặt vấn đề để các trường rà soát, xem xét, chứ không yêu cầu các trường phải bỏ những phương thức đó.
Tuyển sinh sớm, nhiều kỳ thi riêng tạo thêm áp lực cho thí sinh
Năm nay, các trường ĐH khởi động tuyển sinh sớm từ giữa tháng 2. Việc có tới khoảng 10 trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng, tăng gấp đôi năm 2022, là điểm khác biệt lớn, gây xôn xao trong xã hội và học sinh THPT cả nước.
Chúng tôi lo rằng quyền tự chủ tuyển sinh sẽ dẫn đến hầu hết các trường sẽ tổ chức thi riêng hoặc dùng kết quả thi chung của cả nhóm trường. Nếu mỗi trường tổ chức thi vào ĐH theo quy chế riêng của mình, sẽ tạo áp lực rất lớn lên TS. Các em phải dự hai kỳ thi: tốt nghiệp THPT theo luật Giáo dục và thi vào ĐH.
Nhiều TS sẽ đăng ký dự thi nhiều hơn một trường để đảm bảo "an toàn" cho trúng tuyển. Điều này gây tốn kém cho gia đình các em và khuấy động xã hội.
Chắc chắn, sĩ tử lại lũ lượt tìm tới trường ĐH, tìm lớp để luyện thi mong cho học sát nội dung thi. Chúng tôi hình dung, bức tranh thi cử này là tái hiện của hơn chục năm trước mà chúng ta đã tìm cách để bỏ đi.
Theo chúng tôi, cần giữ nguyên và có điều chỉnh (nhỏ) theo quy chế đã tuyển sinh vào ĐH của các trường năm 2022 và tham khảo ở cả 3 năm gần đây. Về lâu dài chúng ta chỉ nên tổ chức kỳ thi chung đề cho các trường ĐH như kiểu SAT, ACT ở các nước đang làm.
Về lâu dài, chúng tôi đề xuất kỳ thi tuyển sinh vào ĐH ngoài có đề thi chung cả nước thì cần tổ chức thi nhiều đợt và tuyển sinh nhiều lần, có thể ít nhất hai đợt trong năm.
Đặng Tự Ân (Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông - VIGEF)
Thứ trưởng Sơn nói: "Đúng là có việc các trường cảm thấy quyền tự chủ giảm đi. Nhưng theo luật thì quyền tự chủ trong tuyển sinh chính là ở chỗ được tự quyết định phương thức tuyển sinh, chứ không ở chỗ được xét tuyển sớm, sớm gọi TS trúng tuyển. Khi các em chưa tốt nghiệp THPT mà các trường đã xem các em trúng tuyển (kèm theo đó là mất quyền xét tuyển phương thức khác, trường khác) là vi phạm quy chế. Trường nào cũng xét tuyển sớm, chốt TS trúng tuyển sớm, thì không có lợi cho toàn hệ thống. Việc này Bộ có đủ dữ liệu, sắp tới sẽ làm việc với một số trường liên quan tới phương thức xét tuyển khác nhau mà có vấn đề về sự tương quan giữa các phương thức, làm mất sự công bằng trong xét tuyển giữa các phương thức".
TS đạt đến 30 điểm thi 3 môn thì không còn được điểm ưu tiên
Theo quy chế tuyển sinh ĐH Bộ GD-ĐT ban hành tháng 6.2022, mức điểm ưu tiên theo khu vực (KV) vẫn như trước đây. Theo đó, mức điểm ưu tiên áp dụng cho KV1 là 0,75 điểm; KV2 nông thôn (KV2-NT) là 0,5; KV2 là 0,25; KV3 không được tính điểm ưu tiên. Mức điểm ưu tiên áp dụng cho nhóm đối tượng ưu tiên 1 (gồm các đối tượng 01 đến 04) là 2,0 điểm và cho nhóm đối tượng ưu tiên 2 (gồm các đối tượng 05 đến 07) là 1,0 điểm. Nhưng từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với TS đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau: điểm ưu tiên = [(30 - tổng điểm đạt được)/7,5] x mức điểm ưu tiên đã được quy định trong quy chế.
Theo Bộ GD-ĐT, với quy định mới về điểm ưu tiên, TS đạt đến 30 điểm thi 3 môn thì không còn được điểm ưu tiên. Như vậy sẽ không có chuyện điểm xét vượt quá 30, các ngành điểm cao việc cạnh tranh sẽ công bằng hơn.
Sẽ sớm có hướng dẫn tuyển sinh
Kết luận tại hội nghị tuyển sinh ĐH 2023, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện các văn bản liên quan. Các trường cũng cần sớm hoàn thiện quy chế tuyển sinh của mình. Đặc biệt, với các trường tổ chức kỳ thi độc lập, trường cần rất lưu ý hoàn thiện quy chế thi của mỗi trường.
Cục CNTT phối hợp với Vụ GDĐH để hoàn thiện hệ thống công nghệ, cơ sở dữ liệu. Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện sửa đổi phần mềm, hướng dẫn các nơi.
"Còn các trường tổ chức xét tuyển sớm, chúng tôi cũng xin nhấn mạnh lại chúng ta không được phép công bố các em hoàn toàn đủ điều kiện trúng tuyển cũng như không được yêu cầu TS nhập học trước thời điểm quy định", Thứ trưởng Sơn lưu ý.
Bình luận (0)