Đạm Cà Mau đồng hành cùng nông dân

26/10/2012 09:20 GMT+7

Cụm dự án Khí-Điện-Đạm Cà Mau do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư, đặt tại xã Khánh An, H.U Minh, tỉnh Cà Mau. Trong đó, Nhà máy Đạm Cà Mau là mắt xích cuối cùng có quy mô lớn nhất, phức tạp nhất trong Cụm dự án với tổng mức đầu tư hơn 900 triệu USD.

Một công trình kỳ vĩ

Nhà máy Đạm Cà Mau khởi công xây dựng ngày 26.7.2008. Với quyết tâm cao độ, đội ngũ kỹ sư, công nhân và Ban quản lý dự án (QLDA) thường xuyên làm việc cả trong những ngày Tết. Lúc cao điểm trên công trường có đến hơn 10.000 cán bộ, công nhân làm việc. Sự kỳ vĩ của công trình được thể hiện qua những con số đầy ấn tượng: 10.500 bản vẽ kỹ thuật được các kỹ sư hoàn thành; 744 chủng loại thiết bị với khối lượng khoảng 122.000 tấn đã được lắp đặt tuyệt đối an toàn; 680.000 m3 cát; 62.000 m3 bê tông; hàng ngàn tấn sắt thép, kết cấu được lắp đặt; số lượng cáp điều khiển và cáp điện được sử dụng với tổng chiều dài hơn 700 km; 11.000 cọc với tổng chiều dài 330 km…

Phân bón Đạm Cà Mau 
Cánh đồng trình diễn phân bón Đạm Cà Mau - Ảnh: A.P

Công nghệ của nhà máy đều là công nghệ tiên tiến, hiện đại, an toàn nhất hiện nay, bao gồm: công nghệ sản xuất Ammonia của Haldor Topsoe SA-Đan Mạch; công nghệ sản xuất Urê của SAIPEM-Italy; công nghệ vê viên tạo hạt của Toyo Engineering Corp.- Nhật Bản. Hầu hết các thiết bị chính, quan trọng đều có xuất xứ từ EU/G7. Các tiêu chuẩn áp dụng cho nhà máy là tiêu chuẩn quốc tế (ASME, API, JIS…) và các tiêu chuẩn bắt buộc về môi trường và an toàn, phòng cháy chữa cháy của Việt Nam.

Cuối tháng 1.2012, Nhà máy Đạm Cà Mau cho ra lò dòng sản phẩm thương mại đầu tiên. Kết quả thật đáng mừng, đạm hạt đục do nhà máy sản xuất hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành với chất lượng cao. Đây là luận chứng quan trọng đánh dấu sự “kết thúc” chức năng, nhiệm vụ của Ban QLDA Cụm Khí-Điện- Đạm Cà Mau. Tháng 4.2012, Ban QLDA chính thức bàn giao tài sản của dự án và chuyển giao công tác sản xuất, vận hành cho Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) tiếp nhận. Kể từ đây, Nhà máy Đạm Cà Mau bước sang trang mới, với sứ mệnh, nhiệm vụ mới.

Cho những mùa vàng bội thu

Trước kia, mỗi năm Nhà nước phải tốn hàng trăm triệu đô la để nhập khẩu phân bón từ nước ngoài, khó kiểm soát chất lượng và giá cả sản phẩm. Nay, Nhà máy Đạm Cà Mau đi vào hoạt động với công suất 800.000 tấn/năm sẽ đáp ứng nhu cầu Urê cả nước với 40% thị phần toàn thị trường.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, nhà máy đã cung cấp hơn 400.000 tấn sản phẩm Urê chất lượng cao. Với  ưu điểm dễ phối trộn với các loại phân bón khác để bón kết hợp, dễ bảo quản, dễ vận chuyển, ít gây bụi, bảo đảm về môi trường… nên sản phẩm được nông dân vui mừng đón nhận. Nhà máy đi vào hoạt động đúng tiến độ, cung ứng kịp thời sản phẩm ra thị trường đã góp phần bảo đảm sự ổn định và chủ động về phân bón cho nông nghiệp vùng ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung. Đồng thời, giá trị quyết toán cuối cùng của dự án chỉ hơn 700 triệu USD, tiết kiệm trên 150 triệu USD so với tổng mức đầu tư.

Hiện PVCFC triển khai công tác bán hàng theo hướng “xã hội hóa” với thương hiệu “Đạm Cà Mau - Hạt ngọc mùa vàng”. PVCFC không chủ trương xây dựng mới hệ thống phân phối mà tận dụng lợi thế từ hệ thống bán hàng hiện hữu, đa dạng trên thị trường, hệ thống mà tất cả các đơn vị sản xuất, kinh doanh  phân bón trong và ngoài nước đang cùng phân phối, tiêu thụ tại Việt Nam. Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ, bền vững với những mắt xích đại lý quan trọng để hợp tác phân phối nhằm đưa sản phẩm của công ty đến tay bà con nông dân nhanh nhất, với chi phí thấp nhất để có những mùa vàng bội thu.

Hoạt động trong lĩnh vực phân bón, PVCFC luôn gắn bó và quan hệ mật thiết với bà con nông dân. Lãnh đạo PVCFC nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm và khuyến khích, động viên CBCNV tham gia tích cực vào công tác an sinh xã hội và khẳng định tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng với số tiền hàng tỉ đồng.

Anh Phạm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.