Rong tảo phát triển mạnh, rác rưởi trôi dạt vào bờ cùng với việc lạm dụng đánh bắt thủy sản là những gì mà đầm Cầu Hai (H.Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) đang hứng chịu.
|
Con đường ven đầm Cầu Hai từ thị trấn Phú Lộc về xã Lộc Trì (H.Phú Lộc) từ đầu mùa nắng nóng đến nay, người dân ở đây phải sống chung với bầu không khí ô nhiễm nặng nề. Chỉ đảo qua một vòng ven đầm rất dễ nhận thấy các loại rong, tảo phát triển mạnh, cộng với lượng chất thải từ các hồ nuôi trồng thủy sản, rác thải sinh hoạt dạt vào bờ, phân hủy bốc mùi khó chịu, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Ngay từ chân đèo Mũi Né (thị trấn Phú Lộc), công nhân của khu du lịch sinh thái thi thoảng phải ra phía đầm vớt rong, tảo để hạn chế bốc mùi. Đặc biệt từ sau 12 giờ trưa, mùi hôi không chỉ tấn công người dân sống gần đầm mà ngay cả những người dân sống ở khu vực trung tâm hành chính H.Phú Lộc vẫn có thể cảm nhận. “Chỉ cần đặt chân xuống nước là có cảm giác ngứa rồi. Không biết năm nay sao mà ô nhiễm ghê ghớm”, ông Mai Nghĩnh, người dân ở khu vực 4, thị trấn Phú Lộc than thở.
Đầm Cầu Hai là bộ phận cấu thành của hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai vốn được xem là hệ đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á. Đầm có diện tích gần 10.000ha. Ngoài giá trị phong cảnh, sinh thái, đầm Cầu Hai cung cấp nguồn lợi thủy sản phong phú cho hàng vạn người dân ở nhiều xã ven đầm của H.Phú Lộc. Nhằm bảo vệ đa dạng sinh học cho hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực giải tỏa, sắp xếp lại nò sáo và xây dựng các khu bảo vệ thủy sản. UBND H.Phú Lộc cũng đã nghiêm cấm việc làm nò sáo mới và giải tỏa nò sáo cũ giãn 200m cách từ bờ trở ra đầm. Tuy nhiên, hàng trăm bộ nò sáo được tái dựng chỉ cách bờ chưa đến vài chục mét, làm cản trở luồng lạch giao thông đường thủy và gia tăng tình trạng ô nhiễm. Không chỉ thế, để đánh bắt được tép - loại thủy sản rất nhỏ, ngư dân đã sử dụng loại sáo mùng có khả năng tận diệt các loại cá giống ở gần bờ. Theo ông Mai Văn Xỉ, chuyên viên phụ trách lĩnh vực thủy sản của Phòng NN-PTNT H.Phú Lộc thì tình trạng đánh bắt tép bằng sáo mùng gây ra rất nhiều tác hại như làm hạn chế giao thông thủy, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn lợi thủy sản...
Đ.Toàn - H.Cường
>> Chết mòn vì ô nhiễm
>> Kênh thủy lợi ô nhiễm, đất lúa bỏ hoang
>> Ô nhiễm ở “làng tỉ phú”
>> Trắng đêm chặn xe rác ô nhiễm
Bình luận (0)