Dù Đức không vô địch World Cup 2006 mà phải nhìn ước mơ cúp vàng tan vỡ trong tay người Ý thì ký ức World Cup ấy vẫn đẹp, đến mức họ gọi đó là "câu chuyện cổ tích mùa hè". Không chỉ tài tổ chức của người Đức tạo ra một giải đấu thành công mà bóng đá Đức cũng hồi sinh. Thomas Hitzlsperger, một thành viên của đội tuyển Đức năm đó và hiện là đại sứ của EURO 2024, nhớ lại rằng: "Đó là một bữa tiệc lớn. Thời tiết thật tuyệt vời. Mỗi ngày đều là một niềm vui to lớn". 18 năm sau, nước Đức đã khác, đầy rẫy những vấn đề và dường như đang âm ỉ đâu đó những mâu thuẫn lớn chỉ chực chờ bùng lên thành những đám lửa cháy. Các phe nhóm cực hữu chống nhập cư đang thắng thế. Các xung đột về tôn giáo và nguy cơ khủng bố gia tăng. Nước Đức cũng đang chật vật tái xác lập vai trò của mình trên thế giới.
EURO 2024 vừa là một gánh nặng lớn cần phải xử lý để nêu cao trách nhiệm của Đức, cũng là một tháng mà người Đức kỳ vọng sự chú ý sẽ chỉ hướng đến sân cỏ, đến những mặt tốt đẹp của đất nước. Có lẽ họ sẽ toại nguyện thôi, bởi EURO từ lâu đã là một giải đấu mang tên châu Âu trong đó, nhưng tầm ảnh hưởng của nó không chỉ bó hẹp trong lục địa già. Cứ 4 năm một lần, cả thế giới hồi hộp dõi theo những trận đấu ở nơi mà bóng đá phát triển nhất thế giới, đến mức người ta từng gọi EURO là "World Cup không có Brazil và Argentina". Không ngạc nhiên khi ở Nam Mỹ, những nhà tổ chức của Copa America 2024 cảm thấy lo lắng khi EURO sẽ lấn át giải đấu của họ, sẽ được tổ chức song song trong hè này.
Đối với nước Đức, không nghi ngờ gì nữa, đó là một giải đấu mà chỉ cần tên tuổi của họ đã là một sự đảm bảo cho thành công. Chưa có một giải đấu nào trên mảnh đất này lại không để lại nhiều ấn tượng đẹp về chuyên môn, hình ảnh và trình độ tổ chức. Khó có ai quên mùa hè nước Đức 2006 ở World Cup. Cũng khó có thể quên những tháng ngày của mùa hè 1988, khi Đức, thực ra là Tây Đức, đăng cai EURO. Một năm sau đó, bức tường Berlin sụp đổ. Một năm sau nữa, nước Đức thống nhất và trước đó mấy tháng, đội tuyển Tây Đức lên ngôi vô địch World Cup 1990. EURO 2024 này, điều gì đang chờ đợi đội tuyển Đức và nước Đức, nếu chúng ta đều thấy với mỗi kỳ EURO hay World Cup mà họ đăng cai, luôn có đổi thay lớn lao những năm sau đó?
Không ai biết trước được điều gì, nhưng một hiệu ứng tốt như đã xảy ra sau năm 2006 là điều mà người ta rất kỳ vọng trong bức tranh kinh tế và chính trị khá ảm đạm hiện tại. Kỳ vọng của Đức còn hơn thế. Cựu tuyển thủ Đức Philipp Lahm, nhà vô địch World Cup 2014, hiện tại là thành viên cao cấp của ban tổ chức, khẳng định rằng EURO sẽ giúp "châu Âu xích lại gần nhau hơn nữa". Đó là một ý tưởng đẹp dựa trên việc bóng đá có thể hàn gắn rất nhiều sự rạn nứt của châu Âu hiện tại, bị chia rẽ bởi những vấn đề mà mỗi quốc gia đều phải đối mặt như nhập cư, sự trỗi dậy mạnh mẽ của các lực lượng cực hữu bài nhập cư, cũng như những mâu thuẫn trong khối EU liên quan đến nhiều vấn đề, như cuộc chiến tranh ở Ukraine. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cũng là tiếng nói có trọng lượng nhất EU, muốn thông qua bóng đá làm một cầu nối tinh thần cho tất cả. Một tháng EURO, liệu điều đó có thành hiện thực?
Chỉ vài ngày nữa trái bóng sẽ lăn ở Munich, cho trận Đức - Scotland và như thế EURO sẽ bắt đầu. Đội tuyển Đức gánh trên vai trọng trách không nhỏ, là phải làm sao để người Đức không buồn vì họ. Năm 2006, dù Đức không vào đến chung kết, nhưng đội tuyển của Jurgen Klinsmann đã khiến người Đức tự hào. Đức của hiện tại đã tạo nên một vài ấn tượng tích cực cùng Julian Nagelsmann. Liệu họ có tái hiện được điều đó? Thời gian sẽ trả lời chúng ta.
Bình luận (0)