'Dám ngoái đầu nhìn lại' - công trình 'nóng' về văn học đương đại Trung Quốc

14/11/2021 12:00 GMT+7

Những năm qua, giới nghiên cứu phê bình trong nước đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn học Trung Quốc đương đại, nhưng có lẽ cuốn Dám ngoái đầu nhìn lại là “một công trình học thuật chuyên sâu đáng quý” như nhận xét của TS.Nguyễn Thị Minh Thương trong “Lời giới thiệu”.

TS. Nguyễn Thị Tịnh Thy (giảng viên khoa Văn trường Đại học Sư phạm Huế) mấy năm qua đã công bố 2 tác phẩm được bạn đọc chú ý: Tự sự kiểu Mạc Ngôn (NXB Văn học, 2013) và Rừng khô, suối cạn, biển độc…và văn chương (NXB Khoa học xã hội, 2017) - chuyên luận về “văn học sinh thái”. Dám ngoái đầu nhìn lại cũng có thể gọi là một “chủ đề nóng”, do tập trung nghiên cứu 5 nhà văn nổi tiếng không chỉ ở Trung Quốc (từ đây, xin được gọi họ là “Ngũ hổ” - NV).

Họ là những tác giả “dám ngoái đầu nhìn lại” những sai lầm, đổ vỡ, những bi-hài kịch mà xã hội Trung Quốc đã phải chịu đựng trong gần một thế kỷ vừa qua. Đó là Cao Hành Kiện, Mạc Ngôn (cả hai từng đoạt giải Nobel) và Lý Nhuệ, Dư Hoa, Diêm Liên Khoa. Mỗi nhà văn một sở trường, một phong cách - tác giả nhấn mạnh những điểm nổi trội của mỗi người, như “Lý Nhuệ phản tư”, “Mạc Ngôn dấn thân”, “Cao Hành Kiện hồi cố”, “Dư Hoa phẫn nộ”, “Diêm Liên Khoa nghịch dị”, nhưng thật ra cả “Ngũ hổ” đều chứa đựng những tố chất đó, chỉ đậm-nhạt và văn phong khác nhau thôi. Điều dễ nhận thấy hơn cả là không chỉ Mạc Ngôn, mà cả 5 nhà văn đều quyết liệt dấn thân và họ đã chọn “những điều không được phép viết” và “động đến nỗi đau lớn nhất của tâm hồn”; “dám ngoái đầu nhìn lại” những ký ức đau thương đến cùng cực của cá nhân và dân tộc” như chính tác giả đã viết trong “Lời mở đầu” sách.

Dám ngoái đầu nhìn lại là “một công trình học thuật chuyên sâu đáng quý” như nhận xét của TS. Nguyễn Thị Minh Thương trong “Lời giới thiệu” tác phẩm

n.k.p

Với sự phân tích thấu đáo, “không tránh né những vấn đề được cho là “nhạy cảm về văn hoá lẫn chính trị", Nguyễn Thị Tịnh Thy đã giúp bạn đọc hiểu biết sâu về nhiều phương diện của “Ngũ hổ” - từ quan điểm nghệ thuật, nội dung tác phẩm đến những bình luận của nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế…

Theo Nguyễn Thị Tịnh Thy, “Ngũ hổ” đã kế thừa và phát triển mạnh mẽ khuynh hướng sáng tác của văn hào Lỗ Tấn. “…Trong tác phẩm của Lỗ Tấn, con người bất hạnh do lễ giáo phong kiến ngàn năm trói buộc”, thì không chỉ trong Kinh Thánh của một người (tiểu thuyết đoạt giải Nobel của Cao Hành Kiện) mà trong nhiều tác phẩm của “Ngũ hổ”, độc giả sẽ thấy rất nhiều con người bất hạnh do các thứ "lễ giáo kỳ dị" đã áp chế lên dân chúng Trung Quốc mấy chục năm, từ “Cải cách ruộng đất”, “Đại nhảy vọt” đến “Cách mạng văn hóa”… Tất nhiên với quyền hư cấu và phong cách của mỗi nhà văn, những điều “kỳ dị” hiện ra lắm vẻ, nhưng có thể nói “Ngũ hổ” đều sáng tạo chủ yếu với triết lý “phản tư”. Theo Nguyễn Thị Tịnh Thy, “phản tư (phản tỉnh, phản khảo - reflection) vốn là một thuật ngữ triết học có hàm nghĩa phản tỉnh, hồi cố, suy nghĩ lại, bình xét lại, hoài nghi những kết luận đã có trong lịch sử…”

“Ngũ hổ” không chỉ “hồi cố, suy nghĩ lại” những bi-hài kịch thời trước, mà hướng đến cả thời “Cải cách - mở cửa” gần đây. Giai đoạn này, Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều, nhất là về kinh tế, nhờ tận dụng công nghệ hiện đại phương Tây và giá lao động rẻ. Tuy vậy, xã hội vẫn xuất hiện những "lễ giáo kỳ dị" khiến con người bất hạnh ở những phương diện khác. Trong tác phẩm Đinh trang mộng, Diêm Liên Khoa đã miêu tả thôn Đinh Trang "chỉ trong một đêm, từ một trạm máu chẳng ai lui tới bây giờ đã mọc lên mười mấy cái trạm máu… Bán máu là có tất cả… Đình Trang phồn hoa rồi… Người bị bệnh viêm gan A, B, C cũng có thể bán máu năm lần mỗi tháng…”. Nhưng rồi điều gì đến đã đến. “Mười năm sau, cả thôn Đình trang bị mắc bệnh AIDS… Hầu như nhà nào cũng có người chết…”

Cảnh bán máu được dựng lên chính từ những câu chuyện có thật mua bán trẻ con, nội tạng… mà báo chí từng tố cáo. Nhà văn Dư Hoa thì đã dựng câu chuyện “kỳ dị” với nhân vật Lý Trọc trong tiểu thuyết Huynh đệ: "…Trung Quốc bước vào thời kỳ Cải cách mở cửa... Lý Trọc trở thành “vua phế liệu”, Lý xưởng trưởng, Lý Tổng giám đóc, Lý hội đồng nhân dân…” Và chính Lý Trọc đã sáng tạo ra cuộc thi “Người đẹp trinh tiết” - một “chiêu thức kinh doanh vừa mang lại lợi nhuận cao, vừa làm mãn nhãn tất cả đàn ông trong thị trấn…”. Bạn chỉ cần đọc câu sau đây sẽ rõ: “… Người đẹp trong cả nước nhao nhao vào khoa sản bệnh viện, nhao nhao làm phẩu thuật hàn gắn lại màn trinh…” Thật là “kỳ dị” quá sức tưởng tượng! Lại phải nhắc lại rằng: Đó là nhà văn hư cấu. Nhưng thế mới… xứng với những sự thật kỳ dị đã diễn ra trong “Cách mạng văn hóa” và “Đại nhảy vọt” mà nhiều người đã biết!

Điều cần nói thêm là có lẽ nhờ có các nhà văn như “Ngũ hổ” đã “dám ngoái đầu nhìn lại”, nên lớp người có vai trò xoay chuyển thế cuộc ở Trung Quốc đã “thức tỉnh”, đưa đất nước hơn một tỉ dân này vượt lên… Còn Nguyễn Thị Tịnh Thy, qua “Ngũ hổ” đã nêu cao vai trò cũng như trách nhiệm của nhà văn Việt Nam khi tác giả đã viết trong phần “Kết luận” của Dám ngoái đầu nhìn lại rằng: “Thiết nghĩ, một nền văn học có nhiều thành tựu là nền văn học có nhiều nhà văn dám viết, dám tin rằng đối với người nghệ sĩ, để tái hiện chân tướng của lịch sử và chân diện của sự thật, không có giới hạn hay rào cản nào là tuyệt đối, quyền sáng tạo và sức tưởng tượng là vô biên…".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.