'Dâm ô bé gái ở Trung tâm hỗ trợ xã hội': Phải xử lý hình sự, không bao che kẻ phạm tội

18/11/2019 08:00 GMT+7

Chiều 17.11, Bộ LĐ-TB-XH có công văn gửi Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; Cục trưởng Cục Trẻ em và Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, yêu cầu xử lý vụ việc Báo Thanh Niên phản ánh.

Theo công văn, ngày 17.11.2019, Báo Thanh Niên mục Thời sự có bài viết: Nhiều bé gái tại Trung tâm hỗ trợ xã hội bị một cán bộ dâm ô. Từ phản ánh của bạn đọc về việc nhiều trẻ em (TE) tại một trung tâm hỗ trợ xã hội thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM bị một cán bộ tại trung tâm này dâm ô, PV Báo Thanh Niên đã vào cuộc điều tra, bóc trần sự thật về hành vi “bệnh hoạn” của cán bộ này. Nhận thấy đây là vụ việc nghiêm trọng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung đã điện thoại cho lãnh đạo UBND TP.HCM, kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Công an nói về vụ dâm ô hàng loạt bé gái tại Trung tâm hỗ trợ xã hội

Công văn nêu rõ: “Bộ trưởng yêu cầu Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Cục trưởng Cục TE khẩn trương phối hợp cùng Sở LĐ-TB-XH TP.HCM kiểm tra tình hình và có biện pháp bảo vệ nhân phẩm, sức khỏe các cháu tại trung tâm; xử lý trách nhiệm nhân viên trung tâm vi phạm, báo cáo kết quả lên Bộ trưởng”.
Trao đổi với Thanh Niên ngày 17.11, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục TE (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết qua thông tin trên Báo Thanh Niên, Cục đã kết nối với Sở LĐ-TB-XH TP.HCM nắm thông tin chỉ đạo xử lý vụ việc.
Theo ông Nam, quan điểm của Bộ LĐ-TB-XH là tất cả những hành vi dâm ô, xâm hại TE đều phải xử lý hình sự.
Từ vụ việc này, theo ông Nam, cũng là bài học cần rút kinh nghiệm cho các cơ quan quản lý. Ông Nam cho hay, ở các quốc gia khác, những người thường xuyên tiếp xúc với TE đều phải qua thẩm tra lý lịch tư pháp xem trong quá khứ đã có những hành vi xâm hại TE, bạo lực gia đình, bạo lực TE… hay chưa. “Cục TE và Cục Bảo trợ xã hội sẽ yêu cầu không chỉ các trung tâm bảo trợ xã hội của ngành LĐ-TB-XH, mà toàn bộ các trung tâm văn hóa, thể thao tiếp cận TE phải tăng cường phòng ngừa từ xa, đặc biệt là công tác kiểm tra lý lịch tư pháp cán bộ, nhân viên”, ông Nam nhấn mạnh.
Ông Nam cho rằng các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm văn hóa, thể thao thường xuyên tiếp xúc với TE cũng cần phải tập huấn kỹ năng phòng chống xâm hại TE. “Khi trả lời PV Báo Thanh Niên, ông Dũng, cán bộ Trung tâm hỗ trợ xã hội, TP.HCM, nói những hành động của ông với các em là hành vi bình thường. Điều này cho thấy nhận thức và kiến thức pháp luật của ông Dũng có vấn đề. Như hành vi của ông Nguyễn Hữu Linh trong thang máy với bé gái còn bị vào tù về tội dâm ô TE nữa là”, ông Nam nói.
Theo ông Nam, ngoài yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc nhanh chóng, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM phải tìm cách hỗ trợ nạn nhân, cố gắng hết mức tối đa, bởi TE lang thang là một đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt và cũng là đối tượng có nguy cơ cao nhất bị xâm hại.
Bà Ninh Thị Hồng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền TE Việt Nam, vô cùng bức xúc trước hành vi dâm ô của cán bộ làm công tác TE mà Báo Thanh Niên phản ánh. Bà Hồng chia sẻ: “Từ thông tin tố giác tội phạm, các nhà báo cũng đã có những bằng chứng rõ ràng đưa lên báo. Vì vậy, Hội Bảo vệ quyền TE VN yêu cầu cơ quan công an tại địa phương và Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cần vào cuộc điều tra, khởi tố, nhanh chóng có kết luận vụ việc”.
Theo bà Hồng, trước đây có nhiều vụ việc xâm hại TE xảy ra, nhưng các cơ quan đã ỉm đi, xử lý nội bộ để lấy thành tích. “Sự việc cho thấy có dấu hiệu của dâm ô TE, phải bị xử lý hình sự. Chúng ta phải đặt lợi ích của TE lên hàng đầu, không được bao che cho kẻ phạm tội”, bà Ninh Thị Hồng nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.