Đàm phán bế tắc, Việt Nam và Thái Lan có thể không được xem World Cup 2022

03/08/2022 09:22 GMT+7

Sau khi mức giá bản quyền của World Cup được tiết lộ lên đến 15 triệu đô, mới đây, cuộc thương thảo giữa đại lý của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) và các đơn vị tại Việt Nam đã diễn ra.

Năm 2010, đài truyền hình Việt Nam (VTV) mua bản quyền World Cup với giá 2,7 triệu USD từ công ty Dentsu Alpha.

World Cup năm 2014, MP & Silva đã đầu tư 5 triệu USD và vượt qua Dentsu Alpha, trở thành đơn vị phân phối bản quyền World Cup ở Việt Nam. Sau đó đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã mua lại bản quyền từ đơn vị này với mức giá 7 triệu USD.

World Cup năm 2018, Infront Sports & Media - một công ty marketing thể thao của Thụy Sĩ đưa ra mức giá 15 USD và sau đó VTV được nhiều bên cùng tài trợ, mua lại bản quyền World Cup với mức giá 12 triệu USD.

Có thể thấy, kể từ kỳ World Cup 2010 đến nay, mức giá để đài truyền hình Việt Nam sở hữu được bản quyền của một kỳ World Cup liên tục tăng. Năm 2022, Infront Sports & Media tiếp tục trở thành đơn vị phân phối bản quyền. Trước đó, đơn vị này cũng đã đưa ra mức giá tương tự như World Cup 2018 là 15 triệu USD (gần 350 tỉ đồng). Tuy nhiên, khác với việc đồng ý giảm mức giá xuống 12 triệu USD, Infront Sports & Media tỏ ra cứng rắn và không có có ý định sẽ giảm giá. Theo như quy định của FIFA, khi tham gia đấu thầu, các nhà phân phối phải đưa ra con số cao nhất thì mới được FIFA chọn. Đại lý nào trúng thầu sẽ phải tìm cách bán có lãi chứ khó lòng chấp nhận bán rẻ, dù là ở mức hòa vốn.

Câu hỏi đặt ra là nếu một đơn vị truyền hình không thể sở hữu bản quyền World Cup 2022 thì người dân Việt Nam có thể thưởng thức thông tin về ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh bằng cách nào? Thực tế thì các đơn vị báo đài có thể mua lại các gói tin của hãng thông tấn lớn trên thế giới để phát bản tin kèm hình ảnh tĩnh về trận đấu và hoạt động bên lề liên quan World Cup. Ngoài ra, các nhà đài có thể làm việc với đơn vị sở hữu bản quyền của FIFA để mua lại highlights (diễn biến chính của trận đấu), thời lượng không quá 90 giây và phát lại.

Tại Đông Nam Á, một số nước như Indonesia, Brunei, Campuchia, Malaysia và Philippines đã có bản quyền truyền hình World Cup 2022. Ngoài Việt Nam, Thái Lan cũng đang gặp khó trong quá trình đàm phán để có được bản quyền khi FIFA đánh giá Thái Lan là thị trường có giá trị thương mại cao nhất tại khu vực Đông Nam Á. Còn nhớ ở World Cup 2018, người Thái Lan đã phải bỏ ra số tiền lên đến 44 triệu USD để người dân nước này có thể xem toàn bộ 64 trận đấu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.