Hôm qua (17.11), chỉ một ngày sau khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh dưới hình thức trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và ông Tập Cận Bình - Chủ tịch nước Trung Quốc, tờ The Washington Post dẫn một số nguồn tin cho biết Washington chuẩn bị tuyên bố tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội mùa đông diễn ra vào tháng 2.2022 do Bắc Kinh đăng cai. Động thái này là chỉ dấu cho thấy căng thẳng giữa Washington với Bắc Kinh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, bất chấp việc hội nghị thượng đỉnh vừa diễn ra.
Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình vừa có cuộc hội đàm trực tuyến vào sáng 16.11 (theo giờ VN) |
Reuters/AFP |
Kết quả không có gì mới
Trả lời Thanh Niên ngày 17.11, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) cho rằng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung vừa qua vốn không được kỳ vọng nhiều và thực tế cũng không mang lại kết quả bất ngờ nào.
“Tuy nhiên, cả hai bên đều bày tỏ quan điểm của mình một cách lịch sự, không giống như cách đối thoại căng thẳng từng xảy ra ở Alaska hồi tháng 3 - khi đó, hai bên đã công khai chỉ trích nhau bất chấp các quy tắc ngoại giao”, PGS Nagy nhận định.
Tại bang Alaska (Mỹ) vào tháng 3 năm nay, Mỹ và Trung Quốc đã có cuộc đàm phán cấp cao. Dẫn đầu phái đoàn Mỹ là Ngoại trưởng Antony J.Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J.Austin. Còn phía Trung Quốc thì dẫn đầu bởi ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại trung ương, và Ngoại trưởng Vương Nghị. Khi đó, hai bên đã chỉ trích nhau quyết liệt, thậm chí có dấu hiệu phá vỡ một số nguyên tắc ngoại giao.
Mỹ - Trung nới lỏng quy định với phóng viên
Reuters ngày 17.11 đưa tin hai nước sẽ cấp thị thực cho phóng viên dựa trên luật pháp và quy định liên quan. Trung Quốc sẽ cho phép phóng viên Mỹ đang ở tại Trung Quốc được tự do xuất nhập cảnh, điều mà trước nay họ không được phép. Trung Quốc cũng sẽ kéo dài thời hạn hiệu lực thị thực cho phóng viên Mỹ lên thành 1 năm. Theo thông báo, Mỹ cũng sẽ thực hiện các động thái tương ứng. Trước đó, hai nước đã có màn ăn miếng trả miếng khi trục xuất, siết chặt quy định thị thực, giới hạn hoạt động của phóng viên giữa lúc căng thẳng dâng cao.
Vi TrânChính vì thế, PGS Nagy đánh giá: “Trong hội nghị thượng đỉnh lần này, dù chưa đạt được bất kỳ thành tựu đáng kể nào, cuộc đối thoại giữa ông Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden là nền tảng để có nhiều cuộc đối thoại hơn trong tương lai. Đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, ông không thể hiện thái độ đồng thuận với đối phương và tỏ ra bình đẳng, nhằm gửi thông điệp đến dư luận nội bộ Trung Quốc rằng nước này ngang hàng với Mỹ, đồng thời Mỹ đang suy yếu. Còn Tổng thống Biden thì chọn khởi đầu bằng cách xác định rào cản hợp tác, cạnh tranh và đối địch. Đây là bước quan trọng trong việc chuyển hướng khỏi cách tiếp cận đối đầu của chính quyền tiền nhiệm Donald Trump đối với Trung Quốc”.
Cũng trả lời Thanh Niên, TS Timothy R.Heath (chuyên gia nghiên cứu cấp cao, Tổ chức RAND, Mỹ) đánh giá: “Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung vừa qua đánh dấu một bước khởi đầu thuận lợi trong việc xoa dịu căng thẳng giữa hai nước. Các nhà lãnh đạo của cả Mỹ lẫn Trung Quốc phát đi tín hiệu rằng họ không muốn xảy ra xung đột. Đây là một tin tốt cho khu vực và thế giới”.
Tổng thống Biden nói Mỹ không khuyến khích Đài Loan độc lập |
Căng thẳng còn tiếp diễn
Thế nhưng, ông Heath cũng đặt vấn đề: “Điều đáng chú ý là không bên nào nhượng bộ trong các vấn đề cốt lõi quan trọng nhất, như Đài Loan và Biển Đông. Nên Washington và Bắc Kinh sẽ vẫn nghi ngờ lẫn nhau và tình hình ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) có thể sẽ tiếp tục theo chiều hướng thời gian qua, mà không có thay đổi lớn”.
Tương tự, GS Yoichiro Sato (chuyên về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản) cũng đánh giá hội nghị chưa có đột phá.
“Hội đàm được cho là đã kéo dài 3,5 giờ nhưng cũng chỉ đạt được thỏa thuận là “giữ cầu” đối thoại giữa hai bên. Nội dung hội đàm được trải rộng từ vấn đề Đài Loan, người Duy Ngô Nhĩ, thương mại và thực hành kinh doanh không công bằng, đại dịch và biến đổi khí hậu”, GS Sato phân tích và lo ngại: “Căng thẳng dâng cao khi cuộc nói chuyện thất bại được tiếp nối bởi tin tức về một cuộc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh sắp tới”.
“Mặc dù Tổng thống Biden nghiêm túc tránh xa bất kỳ dấu hiệu nào thể hiện ủng hộ Đài Loan độc lập, nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn không loại bỏ việc sử dụng vũ lực để chiếm Đài Loan đang khiến căng thẳng ở eo biển Đài Loan trở nên cao hơn bao giờ hết trong 40 năm qua”, GS Sato đánh giá.
Về triển vọng lạc quan hơn cho tương lai, PGS Nagy nhận định: “Sau hội nghị thượng đỉnh lần này, nếu các cuộc họp cấp thấp hơn giữa các quan chức được tiếp tục để thảo luận về các vấn đề quan trọng trong mối quan hệ như thương mại, Biển Đông, Đài Loan và kho vũ khí hạt nhân… thì sẽ tạo cơ hội cho 2 bên tìm được đồng thuận”.
Mỹ - Nhật tập trận chống ngầm tại Biển Đông
Các tàu chiến Mỹ và Nhật tập trận tại Biển Đông ngày 16.11 |
JMSDF |
Lực lượng Phòng vệ biển của Nhật Bản (JMSDF) hôm qua (17.11) thông báo đã tập trận tác chiến chống ngầm cùng hải quân Mỹ tại Biển Đông trong ngày 16.11. Tham gia cuộc tập trận có tàu khu trục chở trực thăng JS Kaga, tàu khu trục JS Murasame, một tàu ngầm của JMSDF và máy bay tuần biển P-1 trong khi Mỹ cử tàu khu trục USS Milius và máy bay tuần biển P-8A tham gia.
Theo thông báo, đây là lần đầu tiên tàu ngầm của JMSDF tham gia cuộc tập trận chống ngầm với hải quân Mỹ tại Biển Đông. Trước đó, tàu chiến Mỹ và Nhật Bản đã nhiều lần tập trận chung tại Biển Đông trong năm nay, đáng chú ý có cuộc tập trận giữa tàu sân bay USS Carl Vinson và tàu Kaga hồi cuối tháng 10.
Tâm Minh
Đối thoại trực tuyến, Tổng thống Biden, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh hợp tác |
Bình luận (0)