Cuộc đàm phán về vấn đề Syria đã diễn ra tại thành phố Lausanne (Thụy Sĩ) và kết thúc vào đêm 15.10 giờ Thụy Sĩ (tức rạng sáng 16.10 theo giờ Việt Nam). Tuy nhiên theo Reuters, các bên vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về một chiến lược chung để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 6 năm tại Syria.
Cuộc đàm phán được tiến hành theo đề nghị của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, với sự tham gia của Ngoại trưởng các nước Nga, Iran, Iraq, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Jordan và Ai Cập. Đây là cuộc hội đàm đầu tiên kể từ khi Mỹ tuyên bố ngừng đàm phán với Nga về lệnh ngừng bắn ở Syria hồi đầu tháng.
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, ông Kerry cho biết đã có sự đồng thuận trong một số lựa chọn có thể dẫn tới lệnh ngừng bắn ở Syria, nhưng vẫn còn những căng thẳng trong suốt quá trình đàm phán ngày 15.10. Theo ông Kerry, một số ý tưởng được các bên đưa ra với cách tiếp cận khác nhau và cuộc thảo luận diễn ra thẳng thắn. Tuy vậy, kết thúc cuộc đàm phán, Ngoại trưởng 9 nước không đưa ra bất kỳ tuyên bố chung nào.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, người trước đó khẳng định không kỳ vọng đặc biệt gì về cuộc đàm phán này, cho biết ngoại trưởng các nước đã thảo luận một vài ý tưởng thú vị nhưng không kỹ lưỡng. Ông Lavrov cũng nói rằng các bên đã nhất trí tiếp tục liên lạc trong thời gian tới nhưng không nêu rõ là cuộc họp hay điện đàm.
Trong khi đó theo Reuters, mặc dù các nước châu Âu không tham gia cuộc họp trên nhưng Ngoại trưởng Pháp cho biết Ngoại trưởng Mỹ và các nước có cùng quan điểm đã dự định gặp nhau tại London vào ngày 16.10 để tiếp tục bàn về Syria.
|
Một quan chức cấp cao Mỹ đánh giá dù không có bước ngoặt nào sau cuộc đàm phán tại Lausanne, nhưng việc có cuộc đàm phán với các bên như vậy sẽ là cơ sở cho những tiến triển mới. Trong khi đó, một nhà ngoại giao phương Tây tại Lausanne cho rằng cuộc gặp không được chuẩn bị tốt và mục tiêu khá mơ hồ, danh sách khách mời chỉ được nói rõ khi đã cận kề lúc diễn ra.
Cuộc xung đột ở Syria đã bước qua năm thứ 6 nhưng dường như tương lai hòa bình cho Syria vẫn còn rất mịt mờ, khi các bên liên tục cáo buộc nhau. Trên thực địa, các cuộc oanh kích vẫn tiếp tục diễn ra và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vẫn chiếm đóng nhiều vùng tại nước này.
Bình luận (0)