Những hình ảnh mà Đàm Vĩnh Hưng tung ra hôm 7.2 cho thấy chủ nợ kéo đến đầy nhà để fan “chứng kiến cảnh tượng này cùng tôi suốt 30 năm qua'” bỗng nhận được sự ủng hộ của nhiều người.
Hàng chục bình luận ủng hộ việc công bố các hình ảnh này của Đàm Vĩnh Hưng ngay dưới bản tin đăng trên Thanh Niên Online, như bạn đọc Lê Cao Đài ở Lâm Đồng viết: “Thực tâm tôi không thích nam ca sĩ họ Đàm, nhưng biết chuyện này, tôi thấy Đàm Vĩnh Hưng là con người dũng cảm, biết chịu đựng, dám nói lên sự thực không hay của gia đình”.
Bạn đọc tên Nam ở Cần Thơ bổ sung: “Chưa chắc gì Đàm Vĩnh Hưng làm điều này là không tốt với người mẹ. Kể từ lúc này, mẹ Đàm Vĩnh Hưng sẽ không thể mượn được tiền hay chơi cờ bạc thiếu. Có thể sau này bà sẽ bỏ được cờ bạc của mình hoặc ít nhất là hạn chế đến mức tối đa. Theo tôi thì đây là việc làm rất đúng. Không phải cái gì thỏa mãn cho cha mẹ là có hiếu đâu. Ví dụ cha mẹ làm điều tội lỗi mà mình tiếp tay, rồi tù tội... như vậy thì hiếu ở chỗ nào? Tôi đồng tình với cách làm của Đàm Vĩnh Hưng. Thà là một lần đau để sau này tốt hơn”.
|
Sau một ngày đăng tải hình ảnh trên trang cá nhân, Đàm Vĩnh Hưng thực hiện đoạn clip chia sẻ những gì chịu đựng thời gian qua: “Xưa nay tôi đã giấu rất nhiều, âm thầm bán xe, bán vàng bạc tư trang ra trả. Chắc người ta thấy dễ quá nên cứ cho mượn hoài. Tôi đã quyết định công bố vì không thể sống một cuộc sống nợ nần bị người ta dí tới dí lui. Có nhiều người lên tiếng nói rất hay, có bao giờ bị người ta ném đồ vào nhà, ném đầy trước cửa chưa? Đây là lần cuối tôi trả nợ cho mẹ. Ai tiếp tục cho mượn nợ thì tôi cho nói chuyện với luật pháp”.
Đàm Vĩnh Hưng nói sự việc kéo dài 30 năm khiến anh không khỏi suy nghĩ và sống trong mệt mỏi, gánh nặng: “Tôi từng lên sân khấu diễn quên lời vì mải suy nghĩ. Nhưng sau này tôi nói mình không được làm như vậy, công việc là công việc”.
Nói về chuyện nợ nần của mẹ ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, luật sư Nguyễn Thành Sơn, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, phân tích trên góc độ pháp lý: “Hợp đồng vay mượn dân sự là một giao dịch dân sự mà trong đó các bên tự trao đổi với nhau nhằm đi đến sự thỏa thuận, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ nhất định. Nói cụ thể về việc mượn tiền, mẹ Đàm Vĩnh Hưng là chủ thể giao dịch dân sự trong thỏa thuận này, phía người cho vay (chủ nợ) có đầy đủ năng lực hành vi xem xét mức rủi ro thanh toán rồi quyết định cho mượn hay không. Thông thường người ta cho vay phân định dựa trên tài sản thế chấp và tín chấp. Ở đây mẹ Đàm Vĩnh Hưng lấy danh nghĩa của con ra để vay, được chủ nợ tin tưởng có nguồn đảm bảo khả năng chi trả, thực chất là một dạng tín chấp, tuy nhiên chỉ là giao dịch giữa hai bên, hoàn toàn không liên quan đến Đàm Vĩnh Hưng. Nếu Đàm Vĩnh Hưng không đứng ra bảo lãnh, thì mẹ hoặc người thân nào lấy danh nghĩa của anh đi mượn, Đàm Vĩnh Hưng không có nhiệm vụ phải trả số nợ đó. Nếu việc trả nợ của chủ thể vay mượn không hoàn thành như đúng nghĩa vụ cam kết, phía cho vay có thể khởi kiện”.
Nếu như đã biết người mượn không còn tiền mà các chủ nợ vẫn cho mượn thì sao, ông Sơn nói thêm: "Chủ nợ phải tự xem xét mức rủi ro, bởi nếu người mượn không thể thanh toán, họ không được đòi người khác trả thay dù đó là ai. Việc Đàm Vĩnh Hưng nếu không trả nợ thay cho mẹ, dư luận cũng nên cởi mở hơn, bởi khi đã đủ tuổi trưởng thành, mỗi người nên tự chịu trách nhiệm trước hành động của mình".
tin liên quan
Đàm Vĩnh Hưng tung ảnh chủ nợ kéo đầy nhà: Tôi thực sự mệt mỏi!Gây sốt truyền thông khi tự livestream kể chuyện nợ nần của mẹ hồi cuối tháng 12 vừa qua, Đàm Vĩnh Hưng vừa tiếp tục tung ảnh cho thấy chủ nợ kéo đến đầy nhà để fan 'chứng kiến cảnh tượng này cùng tôi suốt 30 năm qua'.
Bình luận (0)