Theo CNN, không phô trương khi làm từ thiện là phù hợp với truyền thống Hồi giáo của người Ả Rập. John Canady, CEO National Philanthropic Trust U.K, tổ chức từ thiện chuyên tư vấn cho các nhà hảo tâm, cho biết: “Thông thường, động cơ đằng sau việc làm từ thiện là tôn giáo, lịch sử hoặc nguồn gốc. Điều này đặc biệt đúng ở Trung Đông. Theo một số quy định tôn giáo thì người Ả Rập phải làm từ thiện một cách cá nhân, không khoa trương”.
Hoàng tử Alwaleed bin Talal là người Ả Rập đầu tiên và duy nhất cho đến nay công khai ủng hộ quỹ The Giving Pledge của tỉ phú Bill Gates và Warren Buffett. Năm ngoái, Hoàng tử Ả Rập cho hay ông kỳ vọng những người giàu Ả Rập và Hồi giáo sẽ ký vào bản cam kết cho đi hầu hết số tiền họ sở hữu.
Hiện vừa có nhiều dấu hiệu cho thấy các nhà hảo tâm trong khu vực bắt đầu mở rộng những sáng kiến từ thiện, từ việc hỗ trợ trẻ em nghèo, người trẻ thất nghiệp đến người tị nạn vì chiến tranh. “Cách thức họ làm từ thiện đang thay đổi. Trung Đông đang trải qua đường cong học tập như cách mà thế giới đã đi qua. Bạn rất cần tối đa hóa tác động”, CEO Clare Woodcraft-Scott của Emirates Foundation nói.
Tiềm năng làm từ thiện của người Ả Rập rất lớn. Người Hồi giáo được cho là sẽ làm từ thiện 2,5% thu nhập của họ, sau khi chi trả cho các khoản cơ bản như thực phẩm, quần áo, nhà cửa. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc dựa trên nghiên cứu của Islamic Development Bank cho hay những khoản đóng góp từ thiện tự nguyện, ẩn danh của dân Ả Rập trên toàn thế giới đạt từ 232 tỉ USD đến 560 tỉ USD năm 2015. Số tiền trên chủ yếu hỗ trợ các quỹ từ thiện nhỏ giúp đỡ người nghèo, trẻ mồ côi, người khuyết tật và người cao tuổi.
Vùng đất 1.000 tỉ USD
|
Chỉ sáu nước Vùng Vịnh đã có hơn 5.000 đại gia sở hữu từ 30 triệu USD trở lên, theo ước tính Wealth-X thực hiện trong năm 2016. Họ sở hữu tổng cộng 994 tỉ USD. Giới siêu giàu Trung Đông sẽ chuyển 160 tỉ USD cho thế hệ kế tiếp của họ trong 10 năm tới.
Dù vậy, các nhà từ thiện khu vực này đánh giá cao sự riêng tư. Ngân hàng tư nhân kiêm hãng quản lý tài sản Coutts cho hay chỉ có 20 khoản đóng góp có giá trị 1 triệu USD được thực hiện ở Vùng Vịnh năm 2015. Trong khi đó ở Anh có 355 khoản đóng góp.
Một trong những người đang thúc đẩy sự thay đổi là tỉ phú ngân hàng Dubai Abdul-Aziz Al-Ghurair. Ông là chủ tịch quỹ từ thiện thành lập năm 2015, chi 1 tỉ USD cho giáo dục, học bổng đến tay 15.000 sinh viên. Một người khác là ông Badr Jafar, Giám đốc Crescent Group. Năm 2010, ông cùng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khác thành lập Pearl Initiative, tổ chức phi lợi nhuận giúp các công ty thúc đẩy hoạt động kinh doanh bền vững và tạo thêm việc làm.
“Hoạt động từ thiện của người Hồi giáo ngày càng được xem là tài nguyên chưa được khai thác đúng mức”, ông Jafar nhận định. Chính phủ các nước khu vực này cũng đang hỗ trợ hoạt động hợp tác làm từ thiện.
Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) từng tuyên bố năm 2017 là “năm cho đi” nhằm thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, những người tình nguyện san sẻ với cộng đồng. UAE cũng kết hợp cùng Ả Rập Xê Út và Qatar tài trợ quỹ 2,5 tỉ USD được quỹ Bill and Melinda Gates Foundation cùng Islamic Development Bank hậu thuẫn.
tin liên quan
Nhật Bản, Ả Rập Xê Út lập quỹ đầu tư công nghệ lớn nhất thế giớiTập đoàn Softbank của Nhật Bản cùng quỹ đầu tư quốc gia Ả Rập Xê Út vừa cùng nhau lập quỹ đầu tư công nghệ hơn 93 tỉ USD để phát triển trí thông minh nhân tạo (AI), công nghệ robot và ứng dụng di động.
Bình luận (0)