Dân bãi ngang kiếm hàng chục triệu nhờ ‘lộc trời cho’

23/06/2015 11:13 GMT+7

Vài năm trở lại đây, người dân các xã bãi ngang của H.Kim Sơn (Ninh Bình) có thêm nguồn thu nhập từ việc tận thu rau câu. Do rau câu mọc tự nhiên trong các đầm nuôi trồng thủy sản, không phải chăm sóc mà chỉ việc thu hoạch đem bán, nên người dân nơi đây gọi đó là 'lộc trời cho'.

Vài năm trở lại đây, người dân các xã bãi ngang của H.Kim Sơn (Ninh Bình) có thêm nguồn thu nhập từ việc tận thu rau câu. Do rau câu mọc tự nhiên trong các đầm nuôi trồng thủy sản, không phải chăm sóc mà chỉ việc thu hoạch đem bán, nên người dân nơi đây gọi đó là “lộc trời cho”.

Người dân Kim Sơn coi rau câu như “lộc trời cho”
Người dân Kim Sơn coi rau câu như “lộc trời cho” - Ảnh Đinh Dụng
Gia đình anh Nguyễn Văn Xuân (xã Kim Trung) có 3 ha nuôi trồng thủy sản. Hàng năm ngoài nguồn thu nhập chính từ tôm, cua, gia đình anh còn tận thu được hàng chục tấn rau câu khô, giá từ 4.000 - 6.000 đồng/kg, thu về khoảng 40 - 50 triệu đồng/năm.
Tương tự, gia đình chị Trần Thị Dâng (xã Kim Tân) mặc dù chỉ có hơn 1 ha đầm nuôi tôm nhưng mỗi năm cũng thu hoạch được 3 - 5 tấn rau câu khô.
“Năm nay do nắng nóng kéo dài, số tôm nuôi bị chết hàng loạt, chẳng có thu nhập gì. May mà có “lộc trời cho” kéo lại chứ nếu không thì gia đình tôi chắc khốn đốn”, chị Dâng chia sẻ.
Anh Cao Văn Tứ (xã Kim Đông) là một trong những đầu mối thu mua rau câu trong vùng cho biết, sản lượng rau câu của 3 xã bãi ngang hàng năm đạt khoảng 3.000 tấn. Riêng cơ sở của anh từ đầu năm 2015 đến nay đã thu mua và tiêu thụ được hơn 300 tấn. Sau khi thu gom, anh thuê người phơi lại, đóng bao và chở ra Hải Phòng, Hải Dương bán cho các nhà máy sản xuất thạch rau câu.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Cao Sơn, Phó phòng NN-PTNT H.Kim Sơn cho biết, toàn huyện có 6 xã bãi ngang nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên chỉ có 3 xã mép nước là Kim Đông, Kim Trung và Kim Hải có nguồn lợi từ rau câu. Từ 4 năm trở lại đây, rau câu đã trở thành nguồn thu ổn định của người dân, nhưng theo ông Sơn, huyện chưa có định hướng phát triển nuôi trồng loại tảo này vì nó ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản.
“Nuôi trồng thủy sản mới là nguồn thu chính, đồng thời nằm trong chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh. Trong khi đó, rau câu chỉ là nguồn tận thu, mặc dù đem lại phần nào lợi ích cho người dân nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến nuôi trồng thủy sản vì nó làm hạn chế lượng ô xy trong đầm, ảnh hưởng đến năng suất của các loài thủy sản”, ông Sơn lý giải.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.