Mưa bão là phải đi sơ tán
Theo người dân phản ánh, khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều đoạn bờ biển và rừng phòng hộ qua H.Nghi Xuân bị sạt lở rất nghiêm trọng, khiến họ sinh sống không yên. Bà Phan Thị Thảo (72 tuổi, ngụ thôn Tân Ninh Châu, xã Xuân Hội) dẫn chúng tôi ra bãi biển sau nhà, cho biết khu vực này trước đây ngoài rừng phòng hộ trồng cây phi lao thì còn có một bãi cát rộng lớn, mép biển lúc đó còn cách khu dân cư tới 50 m.
Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, bãi cát này đã bị sóng cuốn trôi hoàn toàn và rừng phòng hộ ven biển cũng đang bị thu hẹp dần vì sạt lở. “Bây giờ, biển đã áp rất sát nhà tôi và nhiều hộ dân trong thôn, hộ cách biển gần nhất chỉ hơn 10 m. Mấy năm nay, vào mùa mưa bão là tất cả các hộ dân sinh sống ven biển đều phải đi sơ tán, không ai dám ở lại. Nếu chính quyền địa phương không có biện pháp khắc phục thì những diện tích rừng phòng hộ còn lại rồi cũng trôi xuống biển, đe dọa đến tuyến đê Hội Thống sát nhà dân”, bà Thảo lo lắng.
Cùng chung tâm trạng như bà Thảo, hiện có 1.200 hộ dân ở 7 thôn của xã Xuân Hội sinh sống ven biển cũng đang nơm nớp với nỗi lo biển xâm thực. Toàn xã này có khoảng 5 km bờ biển bao quanh thì nay hơn 2,5 km đang bị nước biển khoét sâu, ăn mòn.
Ông Trịnh Quang Luật, Chủ tịch UBND xã Xuân Hội, cho biết: “Sạt lở bờ biển xảy ra nghiêm trọng nhất là sau mùa mưa bão năm nay, khi nhiều đoạn bị biển ăn sâu vào đến 30 m. Việc này chúng tôi cũng đã báo cáo lên các cấp có thẩm quyền về kiểm tra và lên phương án ứng phó. Trước mắt, chúng tôi sẽ huy động người dân trồng thêm cây phi lao dọc bờ biển để khắc phục tạm thời”.
Tại các xã ven biển khác trên địa bàn H.Nghi Xuân, hiện tượng biển xâm thực dù diễn ra còn chậm, ảnh hưởng không lớn, nhưng người dân nơi đây vẫn không khỏi âu lo. Anh Võ Văn Sơn (42 tuổi, ngụ thôn Trường Vĩnh, xã Đan Trường) cho biết dù người dân đã trồng rừng phi lao chắn sóng dọc bờ biển nhưng cũng không ngăn được sạt lở. “Qua từng năm, đặc biệt là năm nào xảy ra mưa bão lớn là biển lại tiến sâu vào đất liền, đồng nghĩa một số diện tích rừng phòng hộ bị cuốn trôi. Cứ như thế này, sớm muộn gì chúng tôi cũng sẽ đề nghị chính quyền địa phương lập khu tái định cư để di dời dân đến đó sống”, anh Sơn chia sẻ.
Cần kinh phí lớn để khắc phục
Ông Lê Thanh Bình, Trưởng phòng NN-PTNT H.Nghi Xuân, cho hay phương án tối ưu để ngăn chặn tình trạng biển xâm thực là làm các kè mỏ hàn dọc bờ biển để hướng dòng chảy ra xa. “Kinh phí là rất lớn, mất hàng chục tỉ nên địa phương không thể bố trí được. Hiện nay chúng tôi cũng đã có văn bản đề xuất với tỉnh để trình lên T.Ư xin cấp kinh phí”, ông Bình nói.
Theo ông Ngô Đức Hợi, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN-PTNT Hà Tĩnh), việc tìm hiểu nguyên nhân gây sạt lở bờ biển ở Hà Tĩnh đã được Trường ĐH Thủy lợi và Viện Khoa học thủy lợi vào cuộc nghiên cứu. Cả hai đơn vị này đều có chung nhận định nguyên nhân biển xâm thực là do hiện tượng nước biển dâng và tác động của dòng chảy gần bờ, đặc biệt là dòng ven ở các cửa sông, đang có dấu hiệu ngày càng mạnh lên. “Hiện Bộ NN-PTNT cũng đã giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu sâu để đưa ra các giải pháp căn cơ, lâu dài nhằm chống sạt lở đê biển và bờ biển cho các tỉnh thành trên cả nước”, ông Hợi nói.
Bình luận (0)