Dân Cần Đước hướng đến lợi ích chung từ Dự án TL.830

28/08/2019 19:02 GMT+7

Dự án TL.830 (Đức Hòa - Cần Giuộc, Long An) khi hoàn thành sẽ là “xương sống” nối liền vùng vành đai ven đô thị TPHCM - vùng kinh tế công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Long An.

Ý thức được ý nghĩa lớn lao đó, người dân vùng dự án tại H.Cần Đước (Long An) đã nhiệt tình ủng hộ. Nhiều hộ không quá xem trọng một số lợi ích của mình để dự án được đẩy nhanh tiến độ.

Người dân vì lợi ích chung

Không thuộc diện được đền bù hỗ trợ toàn bộ nhà ở vì chỉ bị ảnh hưởng khoảng 30% tại khu vực mái trước, nhưng vì là nhà kê, mái ngói kiểu cổ nên ông Lê Bình Trường (ngụ ấp 1, xã Long Định, H.Cần Đước) có đơn xin được xét. Bởi theo ông đối với loại nhà này mà khu vực mái trước bị mất thì gần như toàn bộ căn nhà sẽ khó có thể sử dụng được nữa. Căn cứ từ thực tế, Ban Quản lý dự án đầu tư - xây dựng H.Cần Đước đã quyết định áp dụng hỗ trợ, bồi thường đủ 100% giá trị còn lại của căn nhà và chi phí di dời đến nơi ở mới.
Tương tự, hộ Phạm Văn Phòng (ngụ xã Long Định, H.Cần Đước) cũng được cơ quan giải phóng mặt bằng H.Cần Đước xem xét, hỗ trợ toàn bộ giá trị nhà ở, chi phí di dời đến nơi ở mới. “Cộng cả số tiền đền bù và hỗ trợ mà gia đình tôi nhận được theo khung giá được Nhà nước quy định là không thể đủ để xây, cất nhà mới. Nhưng mình là công dân, dự án của nhà nước phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội của quê hương, tạo điều kiện cho hàng ngàn bà con khác của H.Cần Đước có việc làm ổn định, cuộc sống tốt hơn nên nếu tôi cứ lằng nhằng thì coi sao được”, ông Phòng chia sẻ.

Chính quyền quan tâm sâu sát

Ông Huỳnh Văn Quang Hùng, Chủ tịch UBND H.Cần Đước, cho biết Dự án TL.830 (giai đoạn 2) qua H.Cần Đước có 950 hộ dân trong 5 xã bị ảnh hưởng. Trong giải phóng mặt bằng, huyện rất chú trọng công tác tuyên truyền vận động, giải thích cho người dân hiểu rõ về tính chất, ý nghĩa của dự án; đồng thời mạnh dạn trong việc áp dụng chính sách, pháp luật để tạo sự đồng thuận cao từ người dân. Hiện chỉ còn 48/950 hộ chưa giải phóng mặt bằng được, chủ yếu do vướng nhà ở, công trình phục vụ đời sống, kinh tế hộ gia đình.
Ông Phạm Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết qua xem xét các vướng mắc từ thực tế tại các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng Dự án TL. 830, tháng 9.2018, UBND tỉnh đã có chỉ đạo đối với các trường hợp người dân xây dựng mới, tôn tạo công trình cũ sau khi có thông báo thu hồi đất mà chưa được cơ quan quản lý Nhà nước xử lý triệt để thì vẫn được đền bù, hỗ trợ. Cụ thể, đối với nhà cũ sửa chữa lại được hỗ trợ 80% giá trị tài sản bị ảnh hưởng; công trình xây mới trên đất ở được hỗ trợ 60%; công trình xây mới trên đất nông nghiệp được hỗ trợ 50%. Riêng đối với các công trình hợp pháp bị ảnh hưởng dưới 40% giá trị tài sản sẽ vẫn được xem xét, đánh giá từ thực tế tại địa phương, nếu thỏa đáng sẽ được đền bù, hỗ trợ 100% giá trị.
H.Cần Đước đã và đang thực hiện công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng cho 45 dự án. Trong đó có 22 dự án vốn ngân sách, 23 dự án vốn đầu tư từ doanh nghiệp. Tổng diện tích đất thu hồi hơn 1.100 ha với trên 4.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An, trong năm 2019, H.Cần Đước tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng công trình TL.830. Đây là 1 trong 3 công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ 10 (nhiệm kỳ 2015 - 2020).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.