Dân châu Á khóc ròng vì Ấn Độ cấm xuất khẩu hành

02/10/2019 20:58 GMT+7

Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu hành lớn nhất thế giới , đã cấm bán loại thực phẩm này sau khi mùa mưa và lũ lụt kéo dài khiến nông dân không thể thu hoạch và nguồn cung lâm vào tình trạng khan hiếm.

Dù là món cà ri gà kiểu Pakistan, cơm rang Bangladesh hoặc món rau hầm Ấn Độ, người tiêu dùng châu Á từ lâu đã quen với vị nồng cay của hành, đến mức nếu không có hành tươi thì chẳng còn thấy ngon.
Ấn Độ được xem là nhà cung cấp lý tưởng vì thời gian giao hàng nhanh chóng, cho phép giữ độ tươi của hành, điều mà các nhà xuất khẩu khác như Trung Quốc hoặc Ai Cập không thể bì kịp.
Chẳng hạn, ước tính phải mất 1 tháng mới nhập khẩu được hành từ Ai Cập đến Bangladesh và khoảng 25 ngày nếu từ Trung Quốc, trong khi chỉ mất vài ngày là người Bangladesh đã có thể thưởng thức hành từ Ấn Độ, theo Reuters hôm 2.10.
Tuy nhiên, chính quyền New Delhi vừa ban lệnh cấm xuất khẩu hành sau khi giá bán trong nước đã tăng lên mức 45.000 rupee (gần 15 triệu đồng) cho 1 tấn hành, mức cao nhất trong gần 6 năm qua vì thu hoạch chậm do mưa bão và lũ lụt.

Hành là thành phần khoái khẩu trong nhiều món ăn ở châu Á

Reuters

Ngay lập tức các nước như Bangladesh buộc phải chuyển sang nhập hàng từ Myanmar, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu của người dân. Thế nhưng, có vẻ như cung không theo kịp cầu.
Ấn Độ xuất khẩu 2,2 triệu tấn hành trong năm tài khóa từ tháng 3.2018 đến 31.3.2019, chiếm hơn 50% tổng số hàng nhập khẩu mặt hàng này của cả châu lục.
Tại thủ đô Dhaka của Bangladesh, người tiêu dùng phải trả 120 taka/kg (33.000 đồng) hành, gấp đôi giá hôm trước và đánh dấu mức giá đắt đỏ nhất từ tháng 12.2013.
Còn hành ở Sri Lanka tăng giá 50% trong vòng 1 tuần, lên mức 300 rupee/kg (gần 40.000 đồng).
“Giá hành đang gia tăng khắp châu Á và cả châu Âu”, theo Reuters dẫn lời một người bán tên Mohammad Idris ở Dhaka.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.