Dân di dời để làm thủy điện, 8 năm chưa được bồi thường

22/05/2020 10:35 GMT+7

Để nhường đất cho thủy điện Hủa Na, hàng trăm hộ dân ở H.Quế Phong (Nghệ An) 8 năm qua vẫn chưa nhận được tiền bồi thường.

Tranh cãi chưa có hồi kết

1.362 hộ dân ở H.Quế Phong đã phải di dời đến 13 điểm tái định cư và di cư tự do từ năm 2012 để nhường đất cho thủy điện Hủa Na. Năm 2013, thủy điện có công suất 180 MW của Công ty CP thủy điện Hủa Na (gọi tắt là Công ty Hủa Na) chính thức phát điện.
Theo thỏa thuận bằng văn bản giữa UBND H.Quế Phong và Công ty Hủa Na, sau khi người dân ổn định đời sống tại các khu tái định cư, chủ đầu tư phải có trách nhiệm đền bù giá trị chênh lệch đất nơi đi và nơi đến theo giá trị từng loại đất (đất ở, vườn, nông nghiệp, lâm nghiệp).
Theo đó, UBND H.Quế Phong đã phê duyệt đất ở, đất vườn, ao của 807 hộ tái định cư tại 13 điểm và đã chi trả hơn 4,5 tỉ đồng cho 58 hộ có diện tích đất lúa thu hồi tại nơi đi lớn hơn diện tích giao nơi đến. Sau đó, UBND H.Quế Phong tiếp tục phê duyệt giá bồi thường đất sản xuất nông nghiệp của 261 hộ tại 5/13 điểm tái định cư, sau khi tính toán đối trừ giữa đất sản xuất nông nghiệp thu hồi tại nơi đi và đất giao tại nơi đến để chi trả tiền cho dân.
Tuy nhiên, ngày 29.5.2019, Công ty Hủa Na có văn bản đề nghị UBND tỉnh Nghệ An thay đổi phương án bồi thường theo cách đối trừ tổng giá trị các loại đất nơi đi và nơi đến (gộp đất trồng lúa, đất trồng cây hằng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp). Theo phương án này, tổng tiền bồi thường từ 57,7 tỉ đồng giảm xuống còn 44,6 tỉ đồng.
Do phương án đối trừ gộp các loại đất này gây thiệt cho người dân, có hộ thiệt trên 100 triệu đồng, nên người dân và UBND H.Quế Phong không đồng ý. Sau đó, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức cuộc họp cho ý kiến về cách tính đối trừ chênh lệch giá trị đất. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Nghệ An không quyết định được mà phải đề nghị Sở TN-MT Nghệ An hỏi ý kiến Bộ TN-MT.
Dân di dời để làm thủy điện, 8 năm chưa được bồi thường1

Ông Lô Xuân Quang (bản Huồi Muồng, xã Tiền Phong) cho biết cuộc sống người dân ở khu tái định cư đang rất khó khăn vì thiếu đất làm ăn

Ngày 14.8.2019, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT) phúc đáp Sở TN-MT Nghệ An cho rằng theo Quyết định 64 của Thủ tướng về chính sách đặc thù về di dân tái định cư các dự án thủy điện thì việc xử lý chênh lệch giá trị đất nơi di dời và nơi tái định cư như sau: Giá trị đất nông nghiệp được giao thấp hơn giá trị đất bị thu hồi thì hộ dân tái định cư được hưởng bồi thường phần chênh lệch; giá trị đất nông nghiệp được giao cao hơn giá trị đất bị thu hồi thì hộ tái định cư không phải nộp bù phần giá trị chênh lệch. Nhưng không hiểu vì sao sau đó, trong 3 phương án bồi thường do Sở TN-MT Nghệ An tham mưu cho UBND tỉnh Nghệ An, quan điểm của sở này là “nghiêng về phương án của Công ty Hủa Na đề nghị”. Tuy nhiên, UBND H.Quế Phong cho rằng phương án bồi thường này không đúng với nguyên tắc luật định, gây thiệt thòi cho người dân mất đất.

Người dân mòn mỏi chờ đợi

Đến khu tái định cư đã 8 năm nay kể từ 2012, nhưng 114 hộ dân ở bản Huồi Muồng (xã Tiền Phong, H.Quế Phong) tới năm 2018 mới được cấp đất trồng lúa nước, song chỉ có 8 hộ nhận ruộng vì ruộng ở quá xa. Ông Lô Văn Thứ, Bí thư Chi bộ bản Huồi Muồng, cho biết theo công bố với người dân trước khi di dời, ruộng được bố trí gần khu tái định cư, nhưng sau 6 năm đến nơi ở mới, chủ đầu tư mới giao ruộng cách nơi ở 8 km nên dân không nhận. Người dân yêu cầu bồi thường đất ruộng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Cũng theo ông Thứ, nơi ở cũ, nhiều hộ có ruộng nước hai vụ lúa nên lương thực đầy đủ; nhưng đến khu tái định cư, sau 4 năm được hỗ trợ gạo, ruộng không có nên người dân phải tứ tán đi làm thuê. Ông Thứ cho rằng, nếu bồi thường như phương án mà Công ty Hủa Na đưa ra, người dân sẽ rất thiệt thòi vì giá trị của đất sản xuất lúa cao hơn các loại đất lâm nghiệp. Do quá bức xúc vì cuộc sống khó khăn, việc bồi thường đất bị “cò kè thêm bớt” nên người dân trong bản đã nhiều lần lên huyện yêu cầu chi trả tiền bồi thường như đã cam kết.
Theo ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND H.Quế Phong, người dân sẽ bị thiệt thòi rất lớn nếu áp dụng phương án bồi thường Công ty Hủa Na đưa ra. Hiện tại, mọi áp lực đang đổ dồn lên huyện vì người dân rất bức xúc. Trong khi đó, ông Thái Văn Nông, Phó giám đốc Sở TN-MT Nghệ An, cho biết Bộ TN-MT đang hỏi ý kiến Bộ NN-PTNT. Do đó, vẫn đang chờ Bộ TN-MT trả lời để tỉnh đưa ra phương án bồi thường cuối cùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.