Dân đổ cho chính quyền quản lý kém, chính quyền đổ cho dân không có ý thức

13/11/2019 11:17 GMT+7

“Cơ quan chức năng bảo làm tốt công tác tuyên truyền, nhưng hỏi thì người dân bảo không biết. Cơ quan chức năng bảo làm tốt công tác giám sát, nhưng khi cháy xảy ra thì mới đi truy trách nhiệm và thấy rất nhiều sai phạm”.

Làm nhiều nhưng đọng lại ít

Sáng 13.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018”.
Nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) chỉ ra sự khác biệt giữa thực tiễn và báo cáo. Trong báo cáo, cơ quan chức năng luôn nói làm tốt tuyên truyền, nhưng người dân bảo không biết. Cơ quan chức năng bảo làm tốt công tác giám sát, nhưng xử lý vi phạm rất ít, đến sự cố xảy ra thì mới truy cứu nguyên nhân và trách nhiệm, mới phát hiện sai phạm rất nhiều.
Chưa kể đến văn hóa đổ lỗi, mà theo bà Hoa, “trên thì đổ lỗi cho dưới không chấp hành, dưới thì đổ lỗi cho trên không hướng dẫn, dân đổ lỗi cho chính quyền quản lý kém, chính quyền thì đổ lỗi cho nhân dân chưa có ý thức”.
Theo ĐB Hoa, chính vì vòng luẩn quẩn này, mà năm nào việc phòng cháy, chữa cháy cũng được hô hào, phát động, nhưng các vụ cháy lớn vẫn xảy ra và vẫn gây hậu quả nghiêm trọng.
Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa), Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc, thì cho rằng để khắc phục triệt để tồn tại, hạn chế tình trạng trên, trước hết phải nhìn nhận các lỗi chủ quan thay vì đổ lỗi cho các nguyên nhân khách quan.
“Chúng ta đều biết, mùa hè năm 2019 thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng ở nhiều nơi, đặc biệt là ở khu vực miền Trung, nắng nóng kéo dài và đạt mức kỷ lục. Nhưng nếu như những biểu hiện cực đoan của thời tiết là nguyên nhân khách quan, thì thống kê trong số hàng chục vụ cháy rừng, trong đó có những vụ gây hậu quả nghiêm trọng, dường như tất cả đều bắt nguồn từ sự bất cẩn của con người”, bà Xuân nói, đồng thời dẫn ví dụ thêm về các vụ việc như:
Ngày 27.6, cô nông dân Nguyễn Thị Hảo 36 tuổi ở Hương Sơn, Hà Tĩnh đốt cỏ làm cháy lan sang khu rừng, gây thiệt hại 7 héc ta, sau đó bị TAND huyện tuyên phạt 2 năm tù.
Ngày 28.6, một nông dân khác là Phan Đình Thành 46 tuổi ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh cũng đốt rác trong vườn làm cháy lan rừng phòng hộ, sau đó Thành cũng bị khởi tố, bắt tạm giam…

Đại biểu Cao Thị Xuân cho rằng bên cạnh lỗ hỏng về pháp lý, cũng phải bịt khoảng trống về trách nhiệm

Ảnh Ngọc Thắng

Theo đại biểu Xuân, vì sự thiếu hiểu biết về phòng cháy, chữa cháy của một số người, mà đất nước thì mất rừng, còn một số người dân thì mất tự do.
Trong khi việc nâng cao nhận thức là vô cùng cần thiết, thì báo cáo giám sát chỉ ra thực tế “Hiệu quả công tác tuyên truyền chưa cao”- “làm nhiều nhưng đọng lại ít”, người dân ít được tuyên truyền, hoặc thực hiện mang tính hình thức, đối phó.
“Theo báo cáo của Bộ Công an, hiện nay, Việt Nam có tổng cộng 188 tiêu chuẩn, quy chuẩn Quốc gia về PCCC. Thử hỏi, có bao nhiêu tổ chức, cá nhân, người dân nắm được, hiểu được và thực hiện theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn này? Nếu không, những nguy cơ cháy nổ vẫn hiển hiện xung quanh cuộc sống của chúng ta”, đại biểu Xuân lo lắng.

Phải lấp đầy khoảng trống về trách nhiệm

Ngoài nhận thức, thì theo đại biểu Xuân, vấn đề đảm bảo thực thi pháp luật PCCC hiện cũng đang đặt ra rất nhiều thách thức cần phải chấn chỉnh. Như báo cáo của đoàn giám sát chỉ ra, cả nước vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.
Tính đến tháng 7.2018, cả nước vẫn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động, nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.
"Tại sao lại có tình trạng này? Là do vi phạm của các chủ đầu tư hay do tiêu cực trong công tác kiểm tra, xử lý sai phạm trong thực hiện pháp luật về PCCC?"; rồi "hàng ngàn vụ cháy đã xảy ra, hàng trăm người bị thiệt mạng, nhiều ha rừng, cơ sở vật chất bị thiêu rụi, nguyên nhân chủ quan trong các vụ việc này rất lớn, nhưng đã có bao nhiêu cán bộ bị kỷ luật, bị mất chức, bị xử lý?", bà Xuân đặt câu hỏi, và đề nghị Chính phủ, Bộ Công an cũng như chính quyền địa phương chấn chỉnh tình trạng này.
“Chúng tôi cho rằng công tác xử lý trách nhiệm về quản lý nhà nước thời gian qua không tương xứng với những tồn tại, vi phạm, sai phạm trong công tác PCCC. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hậu quả đáng tiếc khi hoả hoạn xảy ra”, bà Xuân nhận định.
Theo đại biểu, qua cuộc giám sát này, lỗ hổng pháp luật sẽ được phát hiện và “bịt” lại, nhưng những lỗ hổng về nhận thức, những khoảng trống về trách nhiệm phải được quan tâm và có giải pháp đích đáng để “lấp đầy”.
Chính vì vậy, đại biểu này đề nghị trong nghị quyết tới đây, Quốc hội sẽ quy định hẳn một điều về tái giám sát, đặc biệt là tái giám sát về trách nhiệm thực thi công vụ trong PCCC.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.