Dân hoang mang vì biển xâm thực

07/05/2019 10:09 GMT+7

Không chỉ nhà dân mà cả trạm kiểm soát biên phòng nằm ven biển phải nhiều lần dịch chuyển vào trong vì bị biển xâm thực. Thực trạng báo động này xảy ra ở xã Kỳ Ninh, TX.Kỳ Anh, Hà Tĩnh khiến người dân hoang mang.

Trạm biên phòng đã dịch chuyển 4 lần

Theo phản ánh của người dân, nhiều năm trở lại đây, đoạn bờ biển dài khoảng 10 km đi qua 6 thôn thuộc xã Kỳ Ninh bị biển xâm thực nghiêm trọng. Nhiều diện tích rừng phòng hộ, nhà dân đã bị sóng biển cuốn trôi. Nguyên nhân được xác định là do thiên tai kết hợp với triều cường dâng cao.
Thôn Tam Hải 2 là một trong những khu vực đang bị biển tàn phá. Trong đó điểm nặng nhất nằm ngay phía trước và sau lưng Trạm kiểm soát biên phòng Cửa khẩu Kỳ Ninh thuộc Đồn biên phòng Kỳ Khang (Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh). Trạm nằm giáp cửa biển giao với con sông Vĩnh nên cứ sau một trận mưa bão, mực nước lại áp sát gần hơn với đơn vị.
Thiếu tá Phùng Trung Đức, nhân viên kiểm soát của trạm, cho biết đơn vị đã 4 lần phải dịch chuyển nhà vào sâu bên trong, cách vị trí cũ nhất khoảng 150 m. Lần gần nhất phải dịch chuyển là vào năm 2016.
“Việc phải di chuyển vào vị trí mới đồng nghĩa với việc đất đai ở vị trí cũ đã bị cuốn trôi. Đặc biệt là sau cơn bão số 10 vào năm 2017, rừng phi lao chắn sóng, chắn cát dài 500 m, rộng 100 m trồng phía sau lưng trạm bị cuốn trôi mất 2/3. Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, tôi nghĩ không chỉ có rừng phòng hộ mà ngay cả trạm cũng sẽ bị xóa sổ”, thiếu tá Đức nói.

Mong có kè chắn sóng

Cách thôn Tam Hải 2 không xa, tình trạng biển xâm thực cũng đã và đang đe dọa trực tiếp đến nơi ở của nhiều hộ dân thôn Ban Hải. Bởi cánh rừng phòng hộ trồng phi lao không còn bảo vệ được dân làng.
Chỉ vào ngôi nhà cấp 4 bỏ hoang nằm sát bờ biển, ông Nguyễn Đình Tiếm (62 tuổi, ngụ thôn Ban Hải) nói vào năm 2017, do biển tiến sát gần tới nhà nên anh Nguyễn Thành Chương đã phải mua đất phía trong thôn xây nhà và đưa toàn bộ người thân vào đó sinh sống để đảm bảo an toàn.
“Từ năm 1972, phía trước nhà anh Chương còn có 2 dãy nhà khác chứ không phải bãi cát trắng như bây giờ. Những năm sau đó, cứ mỗi lần có cơn bão lớn quét qua là đất đai, nhà cửa lại bị cuốn trôi. 10 năm trở lại đây, có khoảng 20 hộ dân phải bỏ nhà để đi nơi khác”, ông Tiếm nhớ lại. Như nhiều hộ dân khác trong thôn, ông Tiếm mong nhà nước sớm bố trí kinh phí để chính quyền địa phương thi công xây dựng bờ kè chắn sóng trước làng để họ yên tâm an cư, lạc nghiệp.
Ông Lê Công Đường, Chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh, cho biết ngoài thôn Tam Hải 2 và Ban Hải thì còn có 4 thôn khác nằm ven biển và bờ sông cũng chịu tình cảnh sạt lở tương tự.
“Hằng năm, qua cuộc tiếp xúc cử tri và họp HĐND các cấp, chúng tôi thường xuyên đề xuất với tỉnh và T.Ư cố gắng cấp kinh phí để xã xây dựng hệ thống đê kè phía sau biển. Nếu chúng ta chỉ lo tập trung đầu tư phía trước mà không lo phòng ngự phía sau thì rất nguy hiểm...”, ông Đường nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch UBND TX.Kỳ Anh, cho hay thực trạng biển xâm thực đất liền đang xảy ra ở nhiều xã ven biển thuộc địa phương như Kỳ Ninh, Kỳ Hà, Kỳ Lợi, Kỳ Nam và Kỳ Phương. UBND tỉnh cũng đã thành lập đoàn đi khảo sát thực trạng và đưa vào kế hoạch khai thác nguồn ven biển dự phòng của Chính phủ. Tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị Chính phủ hỗ trợ trên 500 tỉ đồng để xây dựng bờ kè lấn biển qua các xã này.
“Để hạn chế sạt lở tạm thời ở những khu vực ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và mồ mả thì chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương làm rọ đá, đóng cọc và trồng cây phi lao. Còn những vùng buộc phải di dời người dân thì thị xã đang làm kế hoạch để xin ý kiến tỉnh và các sở ban ngành”, ông Hà nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.