Đất rừng của người này nằm trong sổ đỏ của người khác
Vẻ mặt mệt mỏi vì đang bị kiện đòi lại hơn 4,5 ha đất rừng, ông Nguyễn Văn Quang (ngụ xã Thanh An, H.Thanh Chương) cho biết ông nhận đất rừng và canh tác 19 năm qua và bất ngờ khi bị kiện đòi lại đất. Ông Quang kể, năm 2002, ông cùng 5 người dân khác được ông Trần Văn Dinh, cán bộ địa chính UBND xã Thanh An, trực tiếp dẫn vào khu đất rừng nằm cách đường Hồ Chí Minh khoảng 9 km về phía tây, để giao đất. Sau khi được giao đất, vợ chồng ông phát cây bụi, mở đường vào để trồng chè, keo. “Lúc đó, khu rừng này bị cháy nham nhở, ông Dinh bảo cứ nhận rồi làm thủ tục giao đất sau. Tôi đã phải bán 2 con trâu lấy tiền để thuê máy mở đường. Mất 3 tháng, con đường mới mở xong”, ông Quang nói. Năm 2006, ông Quang được UBND H.Thanh Chương cấp sổ đỏ 7,8 ha đất rừng tại đây để canh tác.
Bà Tô Thị Hương và chồng hồ sơ khiếu nại đòi lại khu đất rừng đã nhận khoán từ năm 1997 nhưng vô vọng vì đã hết thời hạn khởi kiện |
KHÁNH HOAN |
Bất ngờ, năm 2019, người thân của ông Nguyễn Danh Tạo, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thanh An, đến yêu cầu ông Quang trả lại hơn 4,5 ha đất rừng vì diện tích này nằm trong sổ đỏ đã được UBND H.Thanh Chương cấp cho ông Tạo năm 2006. “Đây là khu vực vợ chồng tôi dày công nhất để khai hoang, trở thành khu đẹp nhất mà ông Dinh đã giao cho 6 gia đình chúng tôi vào năm 2002”, ông Quang nói. Không chấp nhận yêu cầu đòi đất này, ông Quang bị khởi kiện và ngày 28.9.2021 vừa qua, TAND H.Thanh Chương tuyên vợ chồng ông phải trả hơn 4,5 ha rừng này cho người thân ông Tạo. Không đồng tình với phán quyết này, ông Quang đã kháng cáo bản án và đang chờ phúc thẩm.
Điêu đứng vì 12 năm qua bị đòi lại khu đất rừng đã nhận từ năm 1993, bà Tô Thị Hương (ngụ xã Thanh Hương, H.Thanh Chương) đang có nguy cơ trắng tay vì không còn đất rừng để làm ăn. Bà Hương cho biết, năm 1993, vợ chồng bà lên khai hoang ở khu vực tiểu khu 996 (thuộc xã Thanh An, H.Thanh Chương) để trồng cây. Năm 1997, Lâm trường Thanh Chương giao khoán cho vợ chồng bà 14,5 ha đất ở khu vực này để trồng rừng, thời hạn 50 năm. Đến năm 2007, ông Nguyễn Công Đức (Chủ tịch UBND xã Thanh An) và 2 người khác (trong đó có ông Nguyễn Doãn Truật, công chức văn hóa xã Thanh An) yêu cầu bà Hương phải trả lại đất cho họ vì khu đất này đã được cấp sổ đỏ cho 3 người này từ năm 2006. Bà Hương không chấp nhận. “Từ đó đến nay, họ cho người đến phá cây, phá trại của gia đình tôi khiến chúng tôi vô cùng khổ sở”, bà Hương nói. Mới đây, bà Hương khởi kiện yêu cầu tòa án hủy các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho 3 người nói trên, tuy nhiên tòa trả lại đơn vì đã hết thời hiệu khởi kiện.
Hợp đồng trồng rừng năm 1997 với Lâm trường Thanh Chương trên diện tích đất rừng đã giao cho vợ chồng bà Hương |
Biên bản giao đất rừng năm 1997 của Lâm trường Thanh Chương cho vợ chồng bà Hương |
Chia đất mà không ra thực địa
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, rất nhiều gia đình khác nhận đất rừng ở xã Thanh An hàng chục năm qua cũng đang rơi vào cảnh tương tự khi bị kiện đòi đất rừng vì đất được cấp sổ đỏ cho người khác, trong đó có nhiều người nguyên là cán bộ, công chức xã Thanh An.
Ông Nguyễn Cảnh Nam, Chủ tịch UBND xã Thanh An, cho biết năm 2004, UBND tỉnh Nghệ An thu hồi 455,3 ha đất rừng thuộc Lâm trường Thanh Chương quản lý về cho UBND xã Thanh An để giao cho dân. Trước khi giao đất, xã thông báo cho người dân đã nhận khoán của lâm trường trước đó đến làm thủ tục giao đất lại để cấp sổ đỏ. Nhưng nhiều người đã không đến để làm thủ tục. Sau đó, xã phối hợp với huyện bàn giao đất, chia trên bản đồ mà không ra thực địa nên xảy ra nhiều trường hợp cấp chồng lên nhau. Nhiều người được cấp đất, cấp sổ đỏ nhưng rất nhiều năm sau cũng không biết đất mình nằm ở đâu. “Lúc đó, xã cũng bị áp lực phải giao đất cho dân, một số khu vực đất xấu, người dân không nhận nên cán bộ xã phải đứng ra nhận. Gần đây, khi cây keo được giá, những người có sổ đỏ vào tìm đất để trồng rừng nên xảy ra tranh chấp”, ông Nam lý giải. Tuy nhiên theo tìm hiểu của PV, những khu vực cán bộ, công chức xã Thanh An được cấp sổ đỏ không phải đều là khu vực “đất xấu” như ông Nam nói.
Ông Nam cũng cho rằng, nguyên nhân còn có lỗi của Lâm trường Thanh Chương trước khi bàn giao đất không thanh lý hợp đồng với những người đã nhận đất nên xảy ra tình trạng cấp đất chồng lên nhau. Khi được hỏi trách nhiệm của cán bộ xã không kiểm tra thực địa dẫn đến cấp chồng sổ đỏ, ông Nam cho biết, do cán bộ xã thời điểm đó nay đã nghỉ hưu nên không xem xét trách nhiệm. “Chúng tôi đang phối hợp giải quyết, hòa giải, nhưng hầu hết các vụ tranh chấp này đều phải ra tòa”, ông Nam nói.
Bình luận (0)