Dù thành phố Hà Nội có chủ trương xây dựng đã hơn 5 năm, quận Cầu Giấy cũng chọn được nhà đầu tư xã hội hóa, nhưng dự án cống hóa mương thoát nước khu Đồng Bông ở phường Dịch Vọng vẫn đình trệ, dân phải sống khổ với mương nước thối.
|
Đi dọc tuyến đường ven con mương nối từ đường Xuân Thủy đến phố Duy Tân ra khu Đồng Bông, ít ai không đưa tay bịt mũi để tránh ngửi phải mùi xú uế bốc lên từ dòng nước đen ngòm. “Nước thải sinh hoạt, nước bể phốt… của cả nghìn hộ dân quận Cầu Giấy đều chảy ra đây thì làm sao mà không thối. Ai qua đây cũng bịt mũi, tìm cách đi thật nhanh, những người không bịt đích thị là dân sống ven mương nước, đã hít quá quen rồi”, chị Phạm Thị Thúy, sống gần con mương hơn 10 năm than.
Anh Nguyễn Thanh Sơn, mở cửa hàng gần nhà chị Thúy, dẫn chúng tôi ra sát bờ mương thuộc tổ 57, phường Dịch Vọng Hậu, chỉ tận nơi lố nhố hàng trăm miệng cống lớn nhỏ tuôn nước thải xuống. Đứng sát bờ mương, chúng tôi không khỏi hắt hơi liên tục vì mùi hôi thối xộc lên dù đã cẩn thận bịt khẩu trang.
“Thế mới biết dân khu này khổ thế nào. Đấy là chưa kể, những hôm trời ấm, muỗi vo ve lượn như tàu bay”, anh Sơn nói.
Theo quan sát của chúng tôi, ven dòng kênh này không có hàng rào cứng đảm bảo an toàn cho người đi đường. Để cảnh báo nguy hiểm, một dải phân cách mềm bằng dây nylon buộc với cọc tre được dựng lên. Dù vậy, nhiều người ở đây cho biết, vẫn luôn có sẵn dây thừng, ván gỗ để kéo không ít trường hợp sa xuống mương nước thối này. Thấy chúng tôi chụp ảnh, nhiều người lại gần bày tỏ, chỉ ước sao cho Nhà nước làm cống bê tông đậy kín lại cho dân bớt khổ.
“Chứ để thế này, không những thối mà còn nguy hiểm, một năm đếm được không biết bao nhiều vụ người xe nhào cả xuống mương nước bẩn”, chị Thúy kể thêm.
Nhiều người dân ở đây cũng không khỏi thắc mắc khi biết thành phố Hà Nội có chủ trương bê tông hóa kênh mương ở khu vực này đã lâu. Khoảng hai năm trước đã thi công được một đoạn dài, nay trở thành đường giao thông rất khang trang, không hiểu vì sao mãi chưa thi công nốt đoạn còn lại.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, ngày 29.5.2008, thành phố Hà Nội đã đồng ý chủ trương xây dựng cống hóa mương nước nối từ đường Xuân Thủy ra khu Đồng Bông trên địa bàn quận Cầu Giấy bằng nguồn vốn xã hội hóa. Đến tháng 12.2008, quận Cầu Giấy đã duyệt bản vẽ thi công 300 m, dự toán 41 tỉ đồng để thực hiện dự án của đơn vị đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư An Khang. Đơn vị này cũng đã tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng xúc tiến thi công, dự kiến khởi công trong quý 2/2009.
Đến tháng 9.2010, Sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn tiếp tục ủng hộ để đơn vị này thực hiện dự án và xin thành phố Hà Nội cho làm bãi đỗ xe sau khi hoàn thành cống hóa và được chấp thuận.
Sự việc tưởng như trôi chảy thì đến cuối tháng 10.2010, Sở Kế hoạch và Đầu tư lại có văn bản đề nghị thành phố Hà Nội giao cho một đơn vị khác là liên danh Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam với Công ty cổ phần tập đoàn công nghệ và giải pháp Mitshu-Việt Nam (liên danh Mitshu) lập dự án cống hóa trùng với dự án đã được phê cả về bản vẽ thiết kế, thi công, dự toán. Như vậy, cùng một dự án cống hóa mương nước nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho thành phố Hà Nội giao cho hai đơn vị khác nhau không cùng một lúc, tạo ra tranh chấp dẫn đến chậm trễ tiến độ.
Để giải quyết tranh chấp, ông Nguyễn Gia Phương, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho hay đã đề xuất giao cho quận Cầu Giấy giới thiệu dự án cống hóa mương nước khác dài 165 m cho Công ty cổ phần đầu tư An Khang nhưng đơn vị này không chấp thuận, kiên quyết muốn thực hiện dự án đã bỏ nhiều công của từ năm 2008. Trong khi đó, phía liên danh Mitshu cũng nhất quyết không từ bỏ dự án này.
Cũng theo ông Phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức nhiều cuộc họp với hai doanh nghiệp để bàn hướng giải quyết nhưng chưa có kết quả.
“Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ thẩm tra hồ sơ xin chỉ định nhà thầu, nếu được sẽ báo cáo thành phố chấp thuận”, ông Phương cho biết.
Ông Dương Cao Thanh, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, cho biết việc cống hóa mương nước Đồng Bông là rất cần thiết để giảm thiểu mất vệ sinh gây bức xúc trong nhân dân. Ông Thanh cũng đã đề nghị thành phố Hà Nội chấp thuận để Công ty cổ phần đầu tư An Khang tiếp tục thực hiện do đã có quá trình đầu tư lâu dài vào dự án.
Bài, ảnh: Đan Hạ
>> Nhiều dự án dân cư chậm tiến độ
>> Muốn đóng tiền ‘giải cứu’ dự án chậm tiến độ cũng khó
>> Đầu tư vào vùng động đất bị đình trệ
>> Lưới điện toàn huyện đình trệ vì 2 hộ dân
Bình luận (0)