|
Kìm hãm giấc mơ thoát nghèo
Điển hình cho những “dự án rùa bò” này là tuyến đường nối QL1A - H.Nghĩa Đàn - Thị xã Thái Hòa (tỉnh Nghệ An). Có tổng mức đầu tư hơn 800 tỉ đồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, tuyến đường huyết mạch này được kỳ vọng sẽ là một trong những động lực góp phần đẩy mạnh phát triển vùng kinh tế Nam Thanh - Bắc Nghệ. Dự kiến đưa vào sử dụng từ cuối năm 2012, nhưng hiện nay con đường vẫn trong tình trạng dang dở vì hết vốn. Nhà thầu còn mắc kẹt với dự án, do đã ứng 500 tỉ đồng để thi công đường nhưng mới chỉ được tỉnh Nghệ An thanh toán hơn 300 tỉ đồng. Con đường dở dang đã “ngáng chân” việc phát triển kinh tế cả vùng, kìm hãm giấc mơ thoát nghèo của hàng ngàn hộ gia đình thuộc 5 huyện nghèo của Nghệ An.
Đại lộ Vinh - Cửa Lò có chiều dài 10,8 km, vốn đầu tư 2.715 tỉ đồng, được xem là công trình trọng điểm của tỉnh Nghệ An. Sau 10 năm khởi động, đến nay dự án vẫn đang xây dựng với tốc độ “rùa bò” vì thiếu vốn, khiến hàng ngàn hộ dân nằm trong diện di dời tái định cư rất khổ sở. Dự án đường nối từ thị trấn Con Cuông vào xã Bình Chuẩn, H.Con Cuông được khởi công năm 2006, đến nay, sau 8 năm thi công, vẫn còn ngổn ngang, cũng vì thiếu vốn. Do thi công quá chậm chạp nên con đường này đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với người dân địa phương. Đường lầy lội khi trời mưa và bụi mù lúc trời nắng.
Dự án đường nối từ đường Hồ Chí Minh qua xã Nghĩa Hành vào trung tâm xã Phú Sơn ở huyện miền núi Tân Kỳ cũng trong tình trạng tương tự. Dự án “rùa bò” này khiến người dân sống hai bên đường cũng khổ sở vì cảnh nắng bụi, mưa bùn.
Phê duyệt dự án chưa tính toán kỹ?
Trong khi thiếu vốn làm đường thì những năm qua, Nghệ An đã đầu tư xây dựng các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế để mời gọi các nhà đầu tư, lại không đạt được kết quả như kỳ vọng. Xây dựng cách đây hơn 8 năm, KCN Nam Cấm (nằm trong Khu kinh tế Đông Nam) vẫn đang ì ạch với tỉ lệ đăng ký đầu tư thấp. 3 con đường lớn nằm trong khu kinh tế này, đến nay, vẫn bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, trở thành nơi chăn bò của người dân địa phương. Tương tự, KCN Hoàng Mai nằm giáp Thanh Hóa cũng đang phải chịu thất bại thảm hại vì bị bỏ không gần 5 năm nay, dù địa phương đã chi hàng trăm tỉ đồng bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án.
Báo cáo của Sở Tài chính Nghệ An cho biết, đến nay, tỉnh đang nợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản hơn 2.759 tỉ đồng, trong đó các dự án do tỉnh phê duyệt quyết toán còn nợ hơn 1.000 tỉ đồng. Ông Thái Văn Hằng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nói rằng muốn trở thành một tỉnh khá, Nghệ An vẫn phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng, các khu công nghiệp, khu kinh tế, phát triển hạ tầng để thu hút đầu tư.
Hằng năm, ngân sách thu của tỉnh chỉ đáp ứng chi khoảng 30 - 40%. Việc chi tiêu của tỉnh phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cấp từ trung ương nên ngân sách của địa phương bố trí cho các dự án đầu tư trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến nợ xây dựng cơ bản chồng chất. Ông Hằng cũng thừa nhận nguyên nhân dẫn đến nợ vốn xây dựng cơ bản cao, một phần cũng bắt nguồn từ việc phê duyệt dự án chưa tính toán kỹ giữa nhu cầu đầu tư với nguồn lực đáp ứng.
K.H
>> Quảng Nam xử lý hàng loạt dự án “rùa”
>> TP.HCM phê bình 53 sở, ngành, quận, huyện có dự án "rùa
>> Cử tri đề nghị Hà Nội đốc thúc các dự án “rùa”
Bình luận (0)