Đạn lạc ở vùng đất linh thiêng của Ethiopia?

08/11/2023 16:39 GMT+7

Trong khi người dân báo cáo có tiếng súng nổ ở thị trấn Lalibela thuộc vùng Amhara của Ethiopia, chính phủ nước này nói khu vực 'vẫn yên bình'.

Reuters dẫn lời người phát ngôn Legesse Tulu của chính phủ Ethiopia hôm nay (8.11) bác bỏ các thông tin cho rằng quân đội và lực lượng dân quân Fano đang đấu súng ở thị trấn Lalibela linh thiêng của Ethiopia. Theo đó, Lalibela và khu vực xung quanh "rất yên bình".

Phát biểu trên được đưa ra sau khi 4 cư dân địa phương nói với Reuters rằng họ đã nghe thấy tiếng súng nổ, nghi là do giao tranh giữa quân đội và Fano.

"Giao tranh đã nổ ra (ở Lalibela) 1 giờ trước và hiện tôi trốn trong nhà", nguồn tin nói qua điện thoại với tiếng súng nổ vang phía sau.

Đạn lạc ở vùng đất linh thiêng của Ethiopia? - Ảnh 1.

Các tín đồ tham dự buổi cầu nguyện buổi sáng tại nhà thờ đá Saint George ở Lalibela

REUTERS

Trong khi đó, phó tế tại một trong 11 nhà thờ ở Lalibela cho biết giao tranh nổ ra vào khoảng 8 giờ sáng ở khắp nơi trong vùng. Theo lời phó tế, 1 địa điểm trú ẩn được xây dựng để bảo vệ 1 trong các nhà thờ đã bị trúng đạn lạc 3 lần: "Họ đang sử dụng đủ loại vũ khí. Tôi có thể cảm nhận được sự rung chuyển".

Lalibela nổi tiếng với nhiều công trình được công nhận là Di sản Thế giới, trong đó 11 nhà thờ nêu trên đã được xây dựng từ thế kỷ 12 và 13. Đây là điểm thu hút lớn đối với những người theo Chính thống giáo Coptic cũng như khách du lịch.

Theo hãng tin Borkena của Ethiopia, Lalibela đã được đặt trong tình trạng khẩn cấp kể từ tháng 8, sau khi Fano chiến đấu chống lại quân đội kể từ cuối tháng 7. 

Fano là lực lượng dân quân không có cơ cấu chỉ huy chính thức, và tập trung chủ yếu ở vùng Amhara (phía bắc Ethiopia). Vào tháng 8, nhóm này chiếm được Lalibela, song đã sớm bị đẩy lùi vài ngày sau đó.

Cuộc giao tranh khi đó khiến hàng trăm người thiệt mạng là thách thức an ninh lớn nhất mà Thủ tướng Abiy Ahmed của Ethiopia phải đối mặt sau cuộc nội chiến ở vùng Tigray vốn kết thúc vào 1 năm trước.

Lực lượng Fano đã ủng hộ quân đội Ethiopia trong cuộc nội chiến kéo dài 2 năm ở Tigray, nhưng quan hệ đã trở nên căng thẳng khi các bên không thống nhất được ai sẽ nắm quyền kiểm soát khu vực phía tây và phía nam Tigray. Việc chính phủ thông báo sẽ hợp nhất các lực lượng khu vực vào cảnh sát và quân đội liên bang cũng là nguyên nhân châm ngòi xung đột.

Quân đội liên bang và chính quyền khu vực Amhara chưa bình luận về thông tin.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.