Luật cấm đốt kinh Koran của người Hồi giáo được quốc hội Đan Mạch thông qua với 94 phiếu thuận và 77 phiếu chống, theo AFP. Luật mới cấm "hành xử không thích hợp đối với những tác phẩm có tầm quan trọng tôn giáo to lớn đối với một cộng đồng tôn giáo được công nhận".
Mọi hành vi đốt, cắt xé hoặc làm ô uế kinh thánh tại nơi công cộng hoặc được quay video để phát tán rộng rãi đều bị cấm. Người vi phạm sẽ bị phạt hoặc ngồi tù đến 2 năm.
Trong năm nay, Đan Mạch và nước láng giềng Thụy Điển đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình, trong đó các nhà hoạt động chống đạo Hồi đã đốt hoặc phá hủy các bản sao kinh Koran, khiến cộng đồng Hồi giáo phẫn nộ và yêu cầu các chính phủ Bắc Âu cấm hành động này.
Hồi cuối tháng 7, gần 1.000 người biểu tình tuần hành đến đại sứ quán Đan Mạch tại vùng Xanh an ninh ở thủ đô Baghdad (Iraq) theo lời kêu gọi của một vị lãnh đạo Hồi giáo. Trước tình hình căng thẳng, Đan Mạch đã tạm thời siết chặt kiểm soát biên giới nhưng sau đó đưa tình hình trở lại bình thường vào ngày 22.8. Theo số liệu của cảnh sát Đan Mạch, từ ngày 21.7 đến ngày 24.10, có 483 vụ đốt kinh sách hoặc cờ tại nước này.
Vì sao Thụy Điển và Đan Mạch lâm vào khủng hoảng kinh Koran?
Trong khi đó, một số bên lại cho rằng việc giới hạn quyền chỉ trích tôn giáo, gồm hành động đốt kinh Koran, gây tổn hại sự tự do trong khu vực. Chính quyền Đan Mạch đã tìm cách tiếp cận cân bằng giữa việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận theo hiến pháp, trong đó có quyền phê bình tôn giáo, và an ninh quốc gia giữa lo ngại việc đốt kinh Koran có thể khơi mào các cuộc tấn công của người Hồi giáo.
Chính phủ Đan Mạch cho rằng quy định mới chỉ tác động nhỏ đến quyền tự do ngôn luận và việc phê bình tôn giáo bằng những hình thức khác vẫn hợp pháp.
"Lịch sử sẽ phán xét chúng ta nghiêm khắc vì điều này, và với lý do chính đáng. Điều cốt lõi là liệu việc hạn chế quyền tự do ngôn luận có phải được chúng ta quyết định hay là từ bên ngoài", lãnh đạo Inger Stojberg của đảng chống nhập cư Dân chủ Đan Mạch, người phản đối lệnh cấm mới, tuyên bố.
Thụy Điển cũng đang cân nhắc ban hành luật hạn chế đốt kinh Koran nhưng có cách tiếp cận khác. Cụ thể, nước này đang xem xét liệu có nên trao quyền cho cảnh sát trong việc quyết định cấp phép cho các cuộc biểu tình nơi công cộng dựa vào lý do an ninh quốc gia.
Bình luận (0)