Những ngày qua, trên trang cá nhân, Angela Phương Trinh gây chú ý khi liên tục đăng tải các bài viết chia sẻ về cách chữa trị Covid-19 bằng… giun đất. Điển hình là hôm 14.8, cô chia sẻ lại một bài viết có nội dung: “Bây giờ dịch bệnh nguy hiểm, cái chết đến nhanh như chớp, nếu đợi thủ tục cho phép công bố chính thức mất 5 năm nữa thì không kịp, ta chỉ có 30 phút để giữ mạng sống cho bệnh nhân Covid. Lúc đó đành phải học theo các chiến sĩ cách mạng mà đào giun nuốt vội trước khi virus sinh sôi nảy nở phủ trắng phổi làm ngộp thở”.
Sau đó, vào ngày 16.8, cô tiếp tục đăng tải bài viết với tiêu đề "Ca mắc Covid âm tính sau 5 ngày uống địa long". Trong bài, diễn viên Mùi ngò gai chia sẻ câu chuyện một người phụ nữ sinh năm 1990 xét nghiệm âm tính sau 5 ngày uống giun sống và sử dụng thêm địa long sấy khô... Dưới phần bình luận, Angela Phương Trinh còn để lại địa chỉ bán địa long khiến nhiều người hoài nghi cô đang quảng cáo cho đơn vị này.
Bài viết của Angela Phương Trinh nhanh chóng nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Nhiều người bức xúc cho rằng thông tin mà nữ diễn viên đăng tải chưa được kiểm chứng, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Một tài khoản bình luận: “Tưởng chị ấy đi đúng đường rồi, ai ngờ lại lầm đường lạc lối tiếp”. Người xem khác gay gắt: “Nói não ngắn thì lại tự ái”. Một tài khoản bình luận: “Đừng nên ba hoa như thế nữa. Tránh đưa thông tin sai sự thật để bà con bị lừa mà làm theo".
|
Bên cạnh đó, không ít cư dân mạng tỏ thái độ gay gắt, mong cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra thông tin cũng như xử lý trường hợp đăng tải sai sự thật của Angela Phương Trinh và nhiều người khác để tránh làm ảnh hưởng đến người dân. Một tài khoản bình luận: “Tôi nói thật những người đăng để bán giun đất này tưởng mọi người đều ngu hết hay sao vậy. Đến lúc công an ghé thăm thì đừng có xóa nhé”. “Thông tin sai mà vẫn mặt dày. Mong là sẽ có hình thức xử lý thật mạnh để giới nghệ sĩ bớt truyền bá thông tin sai đi”, người xem khác nêu ý kiến. Một cư dân mạng bày tỏ: “Mong Bộ Văn hóa làm mạnh tay, siết chặt quản lý nghệ sĩ, người nổi tiếng. Đăng tin như vậy mà chẳng thấy bị phạt”.
Trước đó, như Thanh Niên thông tin hồi tháng 5.2021, công an tỉnh Bắc Ninh đã xử phạt 2 tài khoản Facebook vì chia sẻ về thuốc “địa long” có thể ngăn ngừa lây nhiễm và trị dứt bệnh Covid-19. Hai tài khoản này đăng tải thông tin trên vi phạm điểm d, khoản 1, điều 101, Nghị định 15 ban hành ngày 3.2.2020 của Chính phủ.
Về phía Angela Phương Trinh, đây không phải là lần đầu tiên cô đăng tải thông tin thiếu cơ sở khoa học, khiến dư luận bức xúc. Trước đó, người đẹp chia sẻ một dòng trạng thái về bệnh ung thư và cho rằng những khối u đó sẽ tự hết nếu người bệnh "đặt tay vào khối u mà tụng kinh hoặc trì chú của Phật, nói chuyện với khối u, khuyên khối u quy y Phật Pháp Tăng, trải lòng từ bi với khối u, cầu cho khối u siêu thoát. Vậy mà khối u sẽ dần dần biến mất". Bên cạnh đó, cô còn nhấn mạnh các loại bệnh như ung thư máu, ung thư xương, ung thư phổi, ung thư gan… cũng sẽ biến mất nếu mọi người liên tục sám hối… Nhiều người bức xúc lên tiếng chỉ trích diễn viên Mùi ngò gai vì những bài viết thiếu cơ sở khoa học này.
Hành vi quảng cáo lừa dối, sai sự thật bị xử lý thế nào?
Trao đổi với luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư TP.HCM), ông cho biết căn cứ theo luật quảng cáo, luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và căn cứ pháp lý theo Nghị định 158/2013/NĐ-CP và Bộ luật Hình sự 2015 thì hành vi quảng cáo lừa dối, sai sự thật là hành vi vi phạm pháp luật. Theo luật sư thì tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả sẽ có hình thức xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định. Cụ thể như sau:
Về xử lý hành chính: Hành vi quảng cáo lừa dối chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP, với mức phạt tiền lên đến 70.000.000 đồng. Cụ thể, sẽ phạt tiền từ 50.000.000 - 70.000.000 đối với hành vi quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 68, Điểm a Khoản 3 Điều 69 và Khoản 4 Điều 70 Nghị định này.
Đồng thời, biện pháp khắc phục hậu quả là phải tháo gỡ hoặc xóa quảng cáo, đồng thời phải xin lỗi tổ chức, cá nhân và cải chính thông tin theo quy định.
Về xử lý hình sự: Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người có hành vi quảng cáo lừa dối sẽ bị xử lý hình sự về Tội quảng cáo gian dối theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể: Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm; Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm; Ngoài ra, còn có thể phải chịu trách nhiệm về mặt dân sự theo quy định bộ luật dân sự khi người bị lừa dối khởi kiện yêu cầu bồi thường.
|
Bình luận (0)