Trong buổi thảo luận về luật Điện ảnh (sửa đổi), Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà cho rằng hiện nay, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đang làm chiến dịch loại bỏ những ngôi sao sống lệch chuẩn.
Bà Hà nói nên tham khảo vấn đề này vì cho rằng người làm nghệ thuật phải giữ gìn hình ảnh, “cần đức trước khi cần tài". Đồng thời, bà đề xuất có quy định về dừng chiếu hoặc rút phép đối với các tác phẩm điện ảnh khi người nghệ sĩ vi phạm đạo đức, an ninh chính trị hoặc phát ngôn nào đó.
Trước đó, Vu quy đại náo từng vấp phải ý kiến trái chiều vì scandal đời tư của Lâm Vinh Hải |
TL |
Thông tin này lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhiều người bày tỏ sự đồng tình trước quan điểm của bà Lê Thu Hà và cho rằng đây là biện pháp cần thiết để hạn chế sự phổ biến của những nghệ sĩ vi phạm đạo đức đến với công chúng. Đối với họ, đây là một hình thức răn đe, làm gương cho các thế hệ nghệ sĩ trẻ.
Một tài khoản bình luận: “Ủng hộ khi đề xuất này đưa vào thực hiện, để dẹp bớt một số dạng gắn mác nghệ sĩ nhưng phát ngôn chợ búa, coi thường khán giả…”. “Ủng hộ 100%, làm thanh lọc lại showbiz là tốt cho lớp trẻ sau này", người xem khác nêu ý kiến. Một khán giả khác chia sẻ: “Việc nên làm. Nên có thang điểm đạo đức chuẩn mực cho nghệ thuật, hết điểm thì cấm sóng vài năm hoặc lâu hơn". “Đề nghị thêm luật cấm sóng và cấm các nghệ sĩ vi phạm đạo đức quảng cáo bất kỳ sản phẩm nào”, một người xem thẳng thắn.
Không riêng gì phim ảnh, cư dân mạng còn mong đề xuất này được thực hiện ở lĩnh vực âm nhạc, game show truyền hình. Trước đó, ồn ào đời tư từng khiến Jack bị tẩy chay |
TL |
Bên cạnh đó, một số khán giả cho rằng thời gian qua, nhiều nghệ sĩ liên tục vướng phải những ồn ào. Vì vậy, họ mong đề xuất này sớm được thực hiện không chỉ trong phim ảnh mà còn ở các lĩnh vực khác như game show, ca nhạc… Một tài khoản chia sẻ: “Ủng hộ làm mạnh tay vụ này. Là người nổi tiếng trước hết hãy là người có đạo đức". Một cư dân mạng bày tỏ: “Xử lý mạnh các thành phần làm ảnh hưởng đạo đức của xã hội hiện nay đi". “Nhiều người có phải diễn viên đâu. Cấm triệt để đi show truyền hình, ca nhạc biểu diễn các kiểu", một cư dân mạng thẳng thắn.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến chưa đồng tình với đề xuất này. Họ cho rằng việc một nghệ sĩ vi phạm song để cả ê-kíp làm phim phải chịu trách nhiệm về việc dừng chiếu là điều không khả quan. Một tài khoản bình luận: “Quy định như thế nào là nghệ sĩ thiếu đạo đức? Lỡ người ta bị scandal từ trên trời rơi xuống làm sao biết được". Người xem khác nêu ý kiến: “Ai sai thì xử lý người đó, không thể xử phạt cả chùm. Sản phẩm là công sức của tập thể, không gom chung vào được. Rút phép nghệ sĩ vi phạm pháp luật thì còn được, chứ về đạo đức thì ai có thẩm quyền đánh giá mà ghi vào biên bản".
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc đưa phương án dừng chiếu đòi hỏi đoàn làm phim phải cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn diễn viên, thay vì cố tình mượn scandal của nghệ sĩ để gây chú ý. “Đoàn làm phim không muốn bị rủi ro thì phải ký hợp đồng ràng buộc với diễn viên, nghệ sĩ. Ở nước ngoài họ rất kỹ và làm chuyện này rất tốt. Trong quá trình quay hay phát hành phim mà những rắc rối về đời tư của người này ảnh hưởng đến phim thì sẽ phải đền bù”. Người xem khác chia sẻ: “Phải sòng phẳng như vậy thì những người này họ mới cẩn trọng giữ gìn hình ảnh, đạo đức lối sống được”. Một cư dân mạng thẳng thắn: “Là người của công chúng, không có chuẩn mực, đạo đức thì nên loại luôn”. “Thế mới có trách nhiệm và đồng nghiệp mới tích cực bài trừ hành vì xấu, không hùa với nhau”, khán giả chia sẻ.
Bình luận (0)