Dân nhậu Sài Gòn cãi ngang với CSGT: ‘Bia, rượu chỉ là uống giải khát’

09/03/2019 12:57 GMT+7

Nhậu 8.3 bị CSGT thổi phạt, người đàn ông một mực đòi uống nước rồi mới thổi nồng độ cồn. Anh cãi lý với CSGT rằng: ‘Bia, rượu chỉ là thức uống giải khát có cồn, tại sao không được uống trong phạm vi cho phép?’

Tối 8.3, Đội CSGT Tuần tra dẫn đoàn, thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) thực hiện chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế đối với người điều khiển ô tô trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, đoạn qua P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức.
Nhiều trường hợp vừa chở bạn gái đi nhậu mừng quốc tế phụ nữ về cũng bị CSGT lập biên bản vi phạm.
[VIDEO] Chở bạn gái đi nhậu mừng 8.3, bị CSGT kiểm tra nồng độ cồn

‘Bia rượu chỉ là thức uống giải khát!’

Anh P. chở 2 người bạn trên xe ô tô, qua máy kiểm tra định tính xác định anh có cồn trong hơi thở nên CSGT yêu cầu anh dừng xe thổi vào máy đo cồn định lượng để xác định mức độ vi phạm. Tuy nhiên khi xuống xe, CSGT yêu cầu thổi cồn anh lại nói rằng mình cũng có một yêu cầu, đó là được uống nước trước khi thổi nồng độ cồn.
CSGT không chấp nhận yêu cầu này, anh P. cũng một mực không thổi nồng độ cồn. Sau khi mời anh P. thổi cồn 3 lần không được, CSGT lập biên bản anh lỗi không chấp hành yêu cầu kiểm tra cồn.
Khi CSGT lập biên bản xong, anh P. không ký và cho rằng CSGT không có căn cứ để lập biên bản anh. Anh P. nói: “Tại vì bất ngờ quá, tôi đang khát nước nên phải xin uống nước. Nhiều khi tôi có uống nhưng đâu chắc là tôi uống nhiều. Nếu tôi uống trong phạm vi cho phép thì tại sao không được uống? Bia, rượu chỉ là thức uống giải khát có ga, có cồn thôi mà”.
Anh P. cho rằng uống 1 lon là giới hạn cho phép, dưới 1 lon thì không ai tính là đã uống bia nên việc CSGT lập biên bản là rất vô lý.
Một CSGT cho biết, một số trường hợp uống nhiều nước có thể sẽ làm giảm nồng độ cồn trong hơi thở 5 phút nên CSGT mới yêu cầu người vi phạm thổi cồn rồi mới uống nước.

Đủ cách câu giờ

Trung tá Trương Tiến Sĩ, Phó Đội trưởng Đội CSGT Tuần tra dẫn đoàn, cho biết, đường Phạm Văn Đồng là tuyến đường đẹp nhất nội đô, vỉa hè rộng, mát mẻ nên nhiều hàng quán mở ra dọc hai bên đường. Từ đó, nhiều người đi nhậu về nhưng vẫn điều khiển xe gây nguy hiểm cho chính bản thân họ và những người tham gia giao thông khác.
Đội CSGT Tuần tra dẫn đoàn kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế trên đường Phạm Văn Đồng Vũ Phượng
“Người sử dụng rượu bia khi bị lực lượng chức năng kiểm tra thường hay trốn tránh, tìm mọi cách để không chấp hành kiểm tra, thường giả vờ điện thoại, xin đi WC né tránh sự kiểm tra gây rất nhiều khó khăn. Một số người sử dụng quá nhiều thì kích động phản ứng, chống lại người thi hành công vụ luôn”, trung tá Sĩ cho hay.
Trong khoảng 2 giờ kiểm tra, CSGT đã lập biên bản 4 trường hợp người chạy xe ô tô và 1 trường hợp người lái xe máy vi phạm nồng độ cồn. Tất cả các trường hợp đều bị tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Những người lái xe ô tô vi phạm nồng độ cồn đều phải đóng phạt gần 20 triệu đồng, tạm giữ xe 7 ngày và tạm giữ GPLX cao nhất 6 tháng Vũ Phượng
Anh L. đi xe máy vào đường cấm (dành riêng cho ô tô) và khi CSGT kiểm tra thì phát hiện anh cũng có cồn trong hơi thở. Anh L. nói do đang vội về mua sữa cho con. Tuy nhiên, anh vẫn bị CSGT lập biên bản. Anh L. nói không biết chữ nhưng sau đó cũng tự ký biên bản và ghi rõ họ tên Vũ Phượng
Nhiều người dân hiếu kỳ dừng lại bên đường xem CSGT xử phạt Vũ Phượng
Dù lập luận, xin và cãi nhưng anh L. vẫn bị CSGT tạm giữ xe,sau đó, anh L. lững thững đi bộ về Vũ Phượng
 
Nhiều người vừa chở bạn gái đi chơi lễ 8.3 về cũng bị tạm giữ xe vì có vi phạm  Vũ Phượng
Khi bị CSGT thổi qua máy đo định tính, trong lúc tấp vào lề để xuống thổi máy đo định lượng, thanh niên này đã đổi tài cho người khác lên vị trí lái. Tuy nhiên, CSGT đã phát hiện và yêu cầu anh xuống xe để thổi nồng độ cồn Vũ Phượng
CSGT phải điều tiết giao thông vì có nhiều người dân hiếu kỳ dừng lại xem xử lý Vũ Phượng
Mức phạt vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP:
 
Đối với ô tô
Người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0.25mg/lít khí thở thì bị phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày, tước GPLX 1 - 3 tháng.
Người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0.25mg đến 0.4mg/lít khí thở thì bị phạt tiền từ 7.000.000 - 8.000.000 đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày, tước GPLX 3 - 5 tháng.
Người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0.4mg/lít khí thở thì bị phạt tiền từ 16.000.000 - 18.000.000 đồng, tước GPLX 4 - 6 tháng; tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.