Sống ở nơi được mệnh danh là “Đà Lạt miền Tây” nhưng cư dân trên núi Cấm (xã An Hảo, H.Tịnh Biên, An Giang) lại gặp rất nhiều khó khăn bởi các thủ tục khi lên núi.
Nhiều người phải mua vé qua cổng mới được lên thăm người thân sống trên núi Cấm - Ảnh Thanh Dũng
|
Có giấy phép mới được chở xi măng lên núi
Cao 710 m so với mực nước biển, núi Cấm được xem là ngọn núi cao nhất ở miền Tây, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt du khách. Tuy là điểm du lịch nhưng cư dân nơi đây lại hết sức khổ sở do bị áp đặt nhiều quy định... không giống ai.
Anh Kiếm (ngụ trên núi Cấm) cho biết mới đây do nhà xí, bồn nước của gia đình bị hư nên anh xuống núi mua 4 bao xi măng về sửa lại, nhưng nhân viên Ban quản lý Khu du lịch núi Cấm (thuộc UBND H.Tịnh Biên quản lý) không cho. Họ bảo anh muốn chở nguyên vật liệu xây cất gì lên núi phải làm đơn và được huyện duyệt thì mới được chở lên. Thế là anh Kiếm phải về nhờ người làm đơn rồi chạy ra huyện gửi.
“Nhưng người này lại chỉ qua người kia, lòng vòng cả buổi mới chứng được cái đơn. Chỉ chở vài bao xi măng về sửa nhà mà cực như vậy đó. Thử hỏi trên đất nước này có nơi nào buộc người dân chở vài bao xi măng cũng phải làm đơn xin phép như ở núi Cấm không!?”, anh Kiếm ngán ngẩm.
Theo anh Kiếm, các hộ khác muốn chở vật liệu như: xi măng, tôn… lên núi Cấm sửa chữa nhà hay xây cất các công trình lặt vặt đều bị làm khó như anh vì họ cho rằng người dân chở vật liệu lên là để xây nhà trái phép.
Anh bức xúc: “Muốn xây nhà phải nhiều xi măng, vài bao mà làm được gì. Với lại nếu phát hiện ai xây cất nhà không phép thì cứ xử phạt, sao lại ngăn cấm chở vật liệu một cách cứng nhắc như vậy” .
Thăm người thân phải mua vé
|
Ông Bảy T. (ngụ trên núi Cấm) nói một trong các quy định gây khó cho dân là việc thu phí tham quan núi Cấm. Ở đây, khi tổ chức đám tiệc hay tang lễ gì bà con đều phải tốn thời gian liên hệ trước với địa phương để thông báo rõ ngày giờ. Nhiều khi lu bu quá quên hoặc kẹt công chuyện không thông báo trước thì khách vào dự tiệc sẽ bị chặn lại, mỗi người phải bỏ ra 20.000 đồng mua vé mới lên được núi.
Ông T. kể tiếp: “Mấy người thân có dịp tạt qua núi Cấm thăm tôi nhưng nhân viên nói mua vé mới vào núi được. Họ bảo vào thăm bà con chứ có phải đi tham quan, du lịch gì đâu mà phải mua vé nhưng nhân viên nhất quyết không cho, thế là họ bực tức bỏ về. Chuyện như thế xảy ra hoài, nhiều khi có người thân đến thăm, bà con chạy xuống núi bảo lãnh cũng không được luôn. Ngay cả tụi tôi mấy đời sinh sống trên núi, vậy mà đôi khi chạy xe lên cũng bị chặn lại kêu mua vé, cách hành xử cứng nhắc quá”.
Mới đây, dư luận núi Cấm lại râm ran với thông tin Ban quản lý Khu du lịch núi Cấm thông báo người dân làm thủ tục để được cấp phép đăng ký lưu hành xe máy lên núi, nghĩa là ai đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe mới được lên xuống núi. Nhiều người nói đây là nhiệm vụ của ngành giao thông, không hiểu sao Ban quản lý khu du lịch cũng can thiệp.
Ông Hồ Việt Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết đây là khu du lịch lại xen lẫn khu dân cư nên đã phát sinh nhiều chuyện trong quản lý. UBND tỉnh đã nắm thông tin về khó khăn của người dân trên núi, sắp tới sẽ làm việc với Ban quản lý khu du lịch để giải quyết mâu thuẫn giữa nơi này với người dân.
Bình luận (0)