Tỉ lệ nam giới bị ngược đãi trong gia đình tại Anh, do ManKind Initiative - một tổ chức cung cấp hỗ trợ cho các nạn nhân nam của lạm dụng và ngược đãi trong gia đình tại Vương quốc Anh và ONS - Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh công bố, sẽ khiến nhiều người bất ngờ.
Năm 2017-2018, có 13,6% nam giới và 28,4% nữ giới từ 16 đến 74 tuổi cho biết đã trải qua một số hình thức ngược đãi trong gia đình, tương đương với khoảng 2,9 triệu nạn nhân nam và 6 triệu nạn nhân nữ. Có nghĩa là, cứ ba nạn nhân của ngược đãi trong gia đình thì hai người là nữ, một người là nam. Một trong bốn phụ nữ và một trong sáu đến bảy người đàn ông bị ngược đãi trong gia đình.
Tỉ lệ 2:1 này còn xuất hiện trong thống kê năm 2018 - 2019: 9,2% nam giới (tương đương 2,1 triệu nam giới) và 21,6% nữ giới (5,3 triệu phụ nữ) là nạn nhân trải qua hành vi lạm dụng (phi tình dục).
Sau 14 năm, nạn nhân từ 16 đến 59 tuổi chịu ngược đãi từ người phối ngẫu đã giảm. Nam giới từ 4,6% (năm 2004 - 2005) giảm còn 2,5% (năm 2018 - 2019). Đối với phụ nữ, từ 8,6% (1,333 triệu người) xuống 5,4% (1 triệu người).
Cũng theo thống kê năm 2018 - 2019, khoảng 1% nam giới và 1,3% nữ giới là nạn nhân của đối tác bạo lực; khoảng 0,5% nam giới (103.000) và 6,3% (1,5 triệu) phụ nữ đã bị đối tác tấn công tình dục. Nạn nhân ở độ tuổi 45-54 chịu ngược đãi cao nhất (3,5% nam giới và 6,6% nữ giới).
Ngoài ra, đồng tính nam (3,2%) hoặc song tính nam (3,3%) bị đối tác ngược đãi nhiều hơn so với nam dị tính (2,8%). Đồng tính nữ (7,6%) và song tính nữ (9,1%) bị ngược đãi nhiều hơn so với nữ dị tính (5,6%). Đặc biệt, cứ năm nạn nhân chịu cuộc hôn nhân cưỡng bức thì có một người là đàn ông (21%).
Những người đàn ông tìm kiếm trợ giúp ở ManKind Initiative chịu đựng những hình thức ngược đãi về: Cảm xúc (95%), Thể chất (68%), Tài chính (23%), Tình dục (3%), Tâm lý (41%), Kiểm soát cưỡng chế (13%).
Đàn ông bị ngược đãi nhưng không rời bỏ các mối quan hệ lạm dụng vì nhiều lý do. Có 10 lý do hàng đầu sau đây, theo ManKind:
- Lo lắng về con cái (89%), hôn nhân suốt đời (81%)
- Tình yêu (71%)
- Nỗi sợ sẽ không bao giờ được nhìn thấy con cái nữa (68%)
- Tin rằng vợ sẽ thay đổi (56%)
- Không đủ tiền (53%)
- Không có nơi nào để đi (52%)
- Xấu hổ (52%)
- Không muốn tách con cái khỏi mẹ của chúng (46%)
- Vợ đe dọa tự sát (28%)
- Sợ bị vợ giết (24%)
Khoảng 59% những người đàn ông gọi đường dây trợ giúp của ManKind Initiative chưa bao giờ nói chuyện bị ngược đãi với bất kỳ ai trước đây và 70% khẳng định sẽ không gọi cầu cứu nếu không được ẩn danh. Mặc dù chịu tổn thương nhưng 59% nạn nhân nam và 40% nạn nhân nữ cho rằng những gì đã xảy ra với họ là không phải ngược đãi trong gia đình, theo ONS.
Bình luận (0)