Đàn ông xứ đảo - Truyện ngắn dự thi của Ngân Kim (Bình Thuận)

05/11/2023 16:00 GMT+7

Biển gầm gừ. Đang mùa bão. Tiếng gió hú dài như tiếng hét của người đàn bà trở dạ. Hung tợn. Cắt da cắt thịt.

Gió giật mái tôn rung lên từng chập. Cũng may sau trận bão năm 2009, dân xứ này chủ động dằn mái hai lớp nên từ bận đó tới nay mỗi lần bão cũng chẳng sợ tốc mái. Dẫu vậy chính quyền vẫn động viên người dân thực hiện công tác phòng tránh bão lũ, hạn chế ra đường, neo đậu tàu thuyền chắc chắn và tuyệt đối không đi biển. Nhà nào nhà nấy cửa đóng then cài. Không khí im lặng, ngột ngạt như thể trước trận chiến quan trọng.

Đàn ông xứ đảo - Truyện ngắn dự thi của Ngân Kim (Bình Thuận) - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Shutterstock

Mấy ngày trước đảo đông nghẹt khách du lịch, giờ vắng tanh. Không khí như bị gió đông đặc trong nỗi buồn lạnh giá của hơi nước từ biển thổi vào.

Đảo nhỏ. Đường quanh co. Nhà thâm thấp sát rạt. Tất cả đều co mình cố nép gần nhau. Riêng chỉ ngọn hải đăng vẫn sừng sững trên đỉnh núi. Nhìn từ xa cứ tưởng mây đang sà thấp xuống, mắc vào đỉnh tháp nên đứng im lìm hoài chẳng bay được, xám ngoét một màu buồn thê lương.

Ông Năm ráng lăn cái bánh xe kềnh càng lên dốc. Phía dưới sóng hung hãn vỗ vào Bãi Nhỏ ầm ầm. Cả đời gắn với biển, hai mấy năm lăn lộn trên đầu sóng nên cái hung hãn của biển chẳng dọa được ông. Có điều sắp mưa nữa rồi, phải tranh thủ về nhà kẻo bà vợ lại chạy đôn chạy đáo đi tìm nữa thì khổ. Sáng nay ông phải lén trốn bà đi. Ông nhớ biển. Nhớ hơi nước mặn mòi táp vào mặt. Nhớ cái gió cắt da. Nhớ cái mênh mông trải dài hút tầm mắt. Biển là người tình trong mộng, cả đời thấy đó mà chẳng bao giờ chiếm hữu được làm của riêng. Nên suốt đời ông tương tư biển. Một ngày không thấy biển, một ngày không hít căng hơi biển mặn là một ngày ông ăn không ngon, ngủ không yên.

Mà đâu chỉ riêng ông, tất cả đàn ông xứ đảo này đều vậy. Mỗi đứa con trai sinh ra đã lăn lê trên bãi cát, ngụp lặn trong lòng biển và khao khát được khám phá biển trên những con tàu vươn khơi. "Đàn ông xứ đảo không biết bơi, không biết lặn, không biết thả lưới giăng câu thì nên mặc váy làm đàn bà". Ba ông đã nói với bốn thằng con trai như thế, khi đó ông mới lên năm, các anh đã theo ba đi ghe mỗi đêm dù anh Tư mới hơn tám tuổi. Câu nói của ba in vào tiềm thức, thôi thúc niềm khao khát được cưỡi đầu sóng trong ông lớn dần. Rồi khao khát ấy thành hiện thực vào năm ông lên chín. Năm mười lăm, ông học thêm nghề lặn, xuống sâu dưới đáy đại dương tìm bắt sản vật biển.

Mẹ biển dang vòng tay bao la đón đứa con trai xứ đảo vào lòng. Mẹ cho ông biết bao nhiêu là quà quý: những con bạch tuột to bằng bàn tay, những con đồn đột dừa, đồn đột mít quý giá, những con tôm tít to kềnh càng sắc lẹm kẹp một phát là đứt lìa ngón tay, những con chình biển khổng lồ… Nhờ biển mẹ, gia đình ông cất được căn nhà khang trang, mỗi thằng con trai lấy vợ được cho một cái ghe đi riêng, dăm ba năm chịu khó lăn lộn cùng sóng gió có ít vốn kha khá, vay mượn thêm chút nữa là đủ cất căn nhà nho nhỏ đầy đủ tiện nghi. Bởi vậy đàn ông xứ này yêu biển như người tình trong mộng và yêu biển cũng bởi vì kế sinh nhai của cả gia đình trông chờ vào biển.

Nhưng trên đời này thứ gì cũng có ngưỡng giới hạn riêng của nó. Biển tưởng chừng bao la vô tận thì đi mãi, đi mãi rồi cũng thấy bờ. Sản vật biển tưởng chừng chẳng bao giờ hết thì ai dè chỉ mười mấy năm sau đã bắt đầu cạn kiệt. Cũng phải, dân số trên đảo ngày một tăng. Dân từ đất liền ra đảo sinh sống ngày một nhiều. Họ thu gom hải sản đem vào bờ phân phối. Có mối thu mua ổn định, ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng thuyền lớn đánh bắt xa bờ. Rồi chẳng hiểu ai bày biểu mà ngư dân bắt đầu áp dụng nhiều biện pháp mới nhằm vơ vét sao cho thiệt nhiều hải sản nhất có thể. Bắt đầu dùng điện chích, lưới điện cào cá, cũng chẳng kiêng dè mùa sinh sản, cứ mạnh ai nấy bắt. Cá con chết nổi lềnh bềnh mặt biển. Cá tôm ít dần đi theo từng năm, có những loài ngày xưa chẳng ai thèm bắt nay trở nên quý hiếm như con đồn đột vú. Hồi xưa chỉ cần ra bờ cát nhặt về luộc ăn thì nay phải lặn sâu xuống đáy biển rình bắt từng con. Con non to hơn ngón tay cái đã bắt. Giá đồn đột tăng cao do nhu cầu người tiêu dùng, ai cũng săn lùng mua đồn đột ngâm rượu vì nghe đồn thứ rượu này bổ dưỡng ngang tiên dược, trị được bách bệnh đặc biệt là chứng yếu sinh lí của đàn ông. Nhà nào may mắn trúng ổ đồn đột vú là thôi rồi còn hơn trúng số nữa. Bởi vậy ngư dân thi nhau lặn biển, chẳng ngại độ sâu, có khi liều mình xuống sáu mươi mét hơn.

Nhờ nghề lặn biển, ông Năm lo được cho vợ và hai con trai cuộc sống ấm no. Dẫu vậy ông không khuyến khích hai con theo nghề biển. Bao nhiêu năm lăn lộn cùng nghề ông biết cái nghề ăn đầu sóng ngủ đầu gió cơ cực cỡ nào. Ông muốn hai đứa con ông học lấy cái nghề gì cho ổn định, có cuộc sống bình thường là được.

Ước mơ của ông sẽ thành hiện thực nếu như ngày định mệnh ấy không xảy ra. Hôm ấy, thuyền ông ra khơi tìm kiếm hải sâm. Lái đặt số lượng lớn, giá bao nhiêu cũng thu mua. Nghe bảo có vị đại gia muốn mua số lượng lớn để biếu nên không tiếc tiền, chỉ cần có hàng là được. Chưa có hàng mà lái đã chốt giá nhiêu cũng mua thì còn may mắn nào bằng. Anh em ai cũng phấn khởi bảo nhau cố hốt một vố rồi nghỉ ngơi cả tháng cũng được. Bởi vậy hôm ấy mọi người quyết định đi xa khỏi bãi lặn quen thuộc. Được ăn cả, ngã về không, chí làm trai sợ gì gian khó. Anh em thỏa thuận lần này sẽ xuống sáu mươi mét hoặc hơn quyết lùng đồn đột vú.

Ai dè…

Chuyến đi ấy năm người lặn xuống lòng biển chỉ ba người lên được thuyền. Trong ba người may mắn ấy, một người liệt hai chân, hai người may mắn lành lặn. Còn hai người kém may mắn kia từ đó tới nay vẫn chẳng tìm được xác.

Mỗi lần nhắc đến chuyến đi đáng nhớ ấy ông Năm lại sa buồn. Máy tạo ôxy bị hư đột ngột khi ông đang ở độ sâu hơn ba mươi mét, gần xuống tới đáy. Ông nhanh tay cắt thắt lưng chì cố gắng ngoi lên mặt nước nhanh nhất có thể. Dù được cứu nhưng đôi chân ông vĩnh viễn chẳng thể đứng thẳng được nữa. Khi tỉnh dậy trong bệnh viện, thấy đôi mắt đỏ hoe của vợ, ông hiểu ra tình thế mà mình đang đối mặt. Một thằng đàn ông từng trải giông gió cuộc đời không thể bật khóc như thằng thanh niên hai mấy được. Ông cắn răng, nhắm mắt chấp nhận số phận, rồi thở dài:

- Sinh nghề tử nghiệp có gì đâu mà buồn. Mấy anh em kia sao rồi bà?

- Ông Trí, thằng Thưng không thấy lên, chẳng biết vớt được chưa nữa, còn thằng Hiệp, thằng Hải thì may mắn không sao.

- Vậy tui vẫn may mắn hơn hai người kia. Thôi, mình đừng buồn nữa, dăm bữa nửa tháng tui lại khỏe á mà.

Bà Năm nghe chồng nói vậy ráng nuốt nước mắt vào trong. Ổng chịu đau đớn mà còn an ủi mình thì sao mình gục ngã được. Bà gắng gượng mạnh mẽ, gắng gượng trở thành trụ cột gia đình thay chồng. Thằng con trai lớn phải bỏ ngang việc học dù chỉ còn bốn tháng nửa là thi tốt nghiệp 12. Nó thay ba bám biển, có điều không mạo hiểm lặn biển mà chỉ đánh bắt bằng lưới, "được ít ăn ít, không ham làm giàu" nó biểu vậy. Dẫu không muốn con theo nghiệp biển, ông Năm cũng chỉ biết câm lặng không dám cấn cản con. Nó đã lớn rồi, có chí hướng riêng, cách làm riêng. Ông giờ thành phế nhân gắn cuộc đời trên chiếc xe lăn còn răn dạy ai được nữa.

Cả năm trời ông cứ lén khóc thầm những khi vợ con không có ở nhà. Bà Năm ra cảng phụ việc thu mua phân loại hải sản cho người ta, ăn công nhật, được nhiêu lo thuốc thang cho chồng, ăn uống cho cả nhà. Thằng út vừa lên lớp 10, cũng định bỏ ngang mà thằng anh nó hăm he: "Lo mà học, cả nhà chỉ còn trông cậy vào mày, mày phải làm được cái gì đó cho ba má nở mày nở mặt, chuyện tiền nong để anh mày lo, nghe hông?". Nước mắt rồi cũng khô dần. Người ta cũng phải vực dậy để sống tiếp. Ông tập đứng lên di chuyển bằng nạng, lo cơm nước cho vợ con. Rồi nuôi thêm dăm con gà, vài con heo để phụ thêm kinh tế. Bà Năm xót chồng cứ biểu thôi ông ơi, đừng làm nhiều kẻo lại nhức chân. Ông gạt phắt đi: không sao, tui tàn chứ không phế, còn làm được.

Dẫu quyết tâm là vậy nhưng mỗi sáng, lúc bình minh lên, lúc rạng ngày khi cảng cá bắt đầu náo nhiệt đón tàu, ghe trở về, lòng ông lại buồn hiu hắt. Ông lén lăn xe ra bến cảng, đứng nhìn từ xa, ngửi hơi tanh òm của cá theo gió tạt tới, nghe tiếng lao xao nói cười, bán mua, và cảm nhận gió biển rát rạt xon xót da mặt. Mỗi lần như vậy ông lại nhớ đời ngư dân, nhớ những buổi lặn sâu dưới đáy biển, từng rặng san hô đầy màu sắc như chốn thần tiên, từng đàn cá tung tăng bơi lội như đang dự vũ hội… Nước mắt tự dưng lăn dài. Ông vội vã quay xe, vội vã lăn về nhà. Buồn đau, tủi phận.

Từ khi ông gặp tai nạn, thằng Hai chững chạc hơn hẳn. Nó thay ba lo cho cả gia đình. Cái thằng tưởng chỉ biết sách vở chữ nghĩa ai dè lại lanh lẹ vậy. Nó theo mấy anh kỹ sư bên khuyến nông học cách khai thác thủy sản đúng cách, khai thác ngư trường sao cho có hiệu quả nhất. Rồi nó hùn vốn với bạn bè nuôi hải sản ngoài lồng bè bán cho khách du lịch. Đảo giờ được dân cả nước biết đến nhờ cảnh đẹp hoang sơ, chính quyền cũng chủ chương phát triển du lịch, nhờ đó đời sống người dân cũng phần nào được cải thiện.

Thằng Hai lanh lẹ hùm hạp làm ăn mở dịch vụ tham quan đảo, lo tour chọn gói từ ăn uống, phòng ngủ, tham quan, chụp hình… nên thu hồi vốn rất nhanh, đã bắt đầu có lời. Nó giao cho ba công việc quản lý nhà nghỉ, chỉ việc ngồi kiểm tra danh sách khách theo đoàn, tư vấn cho khách những điểm tham quan trên đảo, giới thiệu lịch sử của đảo, … Hàng ngày tiếp xúc với nhiều người từ nhiều miền đất nước, được trò chuyện, được nói về quê hương của mình, nơi mình sinh ra, gắn bó cả cuộc đời với nó thì còn gì vui bằng.

Ai cũng khen ông chủ nhiệt tình, ăn nói duyên dáng, am hiểu lịch sử đảo như người học hành nhiều chữ. Nghe vậy lỗ mũi ông phổng lên tự hào. Thật ra ông đọc những tài liệu của con trai mang về và bằng vốn kiến thức của một cựu ngư dân bám biển mấy mươi năm, cùng với tình yêu biển, ông giới thiệu cho những người khách lạ những đặc sản chỉ hòn đảo này mới có, những cảnh đẹp hùng vĩ mà thiên nhiên đã ban cho nơi đây. Say mê. Nhiệt huyết. Chính những buổi chuyện trò cùng khách đã giúp ông quên đi nỗi buồn, quên đi mặc cảm của một người tàn tật, thấy cuộc sống của mình vẫn còn có ích, vẫn còn có niềm vui sống.

Ông còn vui hơn nữa khi thằng con út đậu Học viện Hải quân, nó biểu sẽ chinh phục biển bằng cách của riêng nó, không phải là khai thác hải sản mà sẽ bảo vệ biển đảo quê hương được bình yên. Nó sẽ sống cuộc đời ăn sóng nằm gió như bao nhiêu người đàn ông xứ đảo, lênh đênh sóng nước để giữ hải phận của đất nước được bình an, bảo vệ những ngư trường xa bờ để ngư dân yên tâm khai thác. Biển đã hun đúc cậu thanh niên mảnh khảnh ngày nào thành một người lính vạm vỡ, da sóng sánh màu nắng.

Chiều nay đứng trước biển, nhìn những cơn sóng dữ dội đập vào gành đá, nhìn phía biển mịt mù xám xịt. Dẫu biết bão trên biển nguy hiểm hơn vạn lần đất liền, ông vẫn tin rằng thằng con trai xứ đảo vững chân, vững dạ để thực hiện nhiệm vụ của một người lính biển, bảo vệ bình yên biển đảo quê hương mình.

Đàn ông xứ đảo - Truyện ngắn dự thi của Ngân Kim (Bình Thuận) - Ảnh 2.

Thể lệ

Sống đẹp với tổng giải thưởng lên đến 448 triệu đồng

Với chủ đề Trái tim yêu, bàn tay ấm, cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 là sân chơi hấp dẫn cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Bằng việc đóng góp những tác phẩm thể hiện thông qua các loại hình như bài viết, ảnh, video... có nội dung tích cực, nhiều cảm xúc cùng cách trình bày hấp dẫn, sinh động phù hợp với các nền tảng khác nhau của Báo Thanh Niên.

Thời gian nhận bài: từ 21.4 - 31.10.2023. Ngoài hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, năm nay còn mở rộng thêm hạng mục dự thi gồm ảnh và video trên YouTube.

Cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 của Báo Thanh Niên đề cao các dự án cộng đồng, hành trình thiện nguyện, việc làm tốt của các cá nhân, doanh nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp trong xã hội và đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ ở thế hệ gen Z hiện nay nên có riêng một hạng mục dự thi do ActionCOACH Việt Nam tài trợ. Sự xuất hiện của các khách mời đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật, văn chương, nghệ sĩ trẻ được người trẻ yêu mến cũng giúp cho chủ đề của cuộc thi lan tỏa một cách mạnh mẽ, tạo sự đồng cảm của giới trẻ.

Về bài viết dự thi: Các tác giả có thể tham gia theo hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, phản ánh câu chuyện người thật, việc thật và bắt buộc phải có hình ảnh nhân vật kèm theo. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Riêng truyện ngắn dự thi, nội dung có thể sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc… sống đẹp có thật, hoặc hư cấu. Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) không quá 1.600 chữ (riêng truyện ngắn không quá 2.500 chữ).

Về giải thưởng: Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng.

Trong đó, ở hạng mục bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép có: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.

1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.

Với thể loại truyện ngắn: Giải thưởng dành cho tác giả có truyện ngắn dự thi: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 1 giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 4 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.

Ban tổ chức còn trao 1 giải thưởng dành cho tác giả có bài viết về doanh nhân sống đẹp: trị giá 10.000.000 đồng và 1 giải thưởng dành cho tác giả viết về 1 dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp: trị giá 10.000.000 đồng.

Đặc biệt, ban tổ chức sẽ chọn ra 5 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức bình chọn: trao tặng 30.000.000 đồng/trường hợp; cùng rất nhiều giải thưởng khác.

Bài, ảnh và video tham gia dự thi, bạn đọc gửi về địa chỉ: [email protected] hoặc qua đường bưu điện (Chỉ áp dụng cho hạng mục dự thi Bài viết và Truyện ngắn): Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi SỐNG ĐẸP lần 3 - 2023). Thông tin và Thể lệ chi tiết được đăng trên chuyên trang Sống đẹp của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.