Ngày 30.8, theo phản ánh của nhiều người dân Bình Dương về quyết định số 12/2023/QĐ-UBND ngày 15.5.2023 của UBND tỉnh Bình Dương quy định về điều kiện tách thửa, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương không còn phù hợp với luật Đất đai năm 2024, gây khó khăn cho người dân trong việc thực hiện tách thửa để cho, tặng, thừa kế hoặc chuyển đổi chỗ ở, sang nhượng đất để lấy vốn sản xuất kinh doanh…
Nhiều bất cập
Tại điểm d (điều 3, mục 2) trong quyết định của UBND tỉnh Bình Dương quy định: "Thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau khi tách thửa phải tiếp giáp đường do nhà nước quản lý, đảm bảo có chiều rộng và chiều dài tối thiểu 4 mét đối với thửa đất khi tiếp giáp với đường có lộ giới hoặc bề rộng chỉ giới đường đỏ nhỏ hơn 19 mét…".
Sau đó, tại điểm đ (cùng ở mục 2, điều 3) lại quy định: "Trường hợp tách thửa đất ở, tách thửa đất nông nghiệp theo quy hoạch sử dụng đất là đất phi nông nghiệp ngoài điều kiện tiếp giáp đường do nhà nước quản lý còn phải đảm bảo tại vị trí tách thửa đã đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố ban hành danh mục các tuyến đường, đoạn đường đã đầu tư đủ các công trình hạ tầng kỹ thuật gồm: đường giao thông do nhà nước quản lý theo quy định, tuyến cấp điện, chiếu sáng, thông tin viễn thông, cấp thoát nước…".
Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại các địa phương ở Bình Dương lại đang áp dụng cùng lúc cả điểm d và điểm đ tại quyết định của UBND tỉnh Bình Dương. Cụ thể là đủ điều kiện tách thửa ở điểm d nhưng vẫn phải thực hiện điểm đ là chờ UBND cấp huyện ban hành danh mục các tuyến đường đủ điều kiện tách thửa.
Người dân đề nghị thực hiện theo luật
Người dân cho rằng quy định về điều kiện tách thửa nhằm ngăn chặn việc phân lô bán nền, nhưng lại làm khó người dân khi thực hiện tách thửa để phục lợi ích và nhu cầu chính đáng của họ.
Quy định về tách thửa, hợp thửa trong luật Đất đai năm 2024 quy định là "có lối đi" và "kết nối với đường giao thông công cộng hiện có; bảo đảm cấp nước, thoát nước và nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý"…
Trong khi đó, quyết định của UBND tỉnh Bình Dương lại quy định thửa đất trước và sau khi tách thửa phải tiếp giáp với "đường do nhà nước quản lý" và UBND tỉnh Bình Dương "giao UBND các huyện, thị xã, thành phố ban hành danh mục các tuyến đường, đoạn đường đã đầu tư đủ các công trình hạ tầng kỹ thuật…".
Liên quan vấn đề này, nhiều người dân đề nghị luật quy định như thế nào thì thực hiện như vậy, không thể áp đặt bằng quy định riêng của địa phương và UBND cấp huyện ban hành danh mục tuyến đường đủ điều kiện tách thửa là quá rườm rà…
Ông P.Đ.V (41 tuổi, ngụ TP.Thuận An, Bình Dương) cho biết: "Trong sổ đất nhà tôi thể hiện có lối đi chung 4 m. Từ lối đi chung này kết nối với đường Bình Chuẩn 34 nhưng từ nhiều năm nay tôi không được tách thửa vì lý do không có tên đường. Gia đình tôi có 3 anh em vẫn đang phải sử dụng chung 1 sổ đất mặc dù diện tích tối thiểu đủ điều kiện để tách thửa".
Trả lời Thanh Niên, ông Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương giải thích việc giao cho UBND các huyện, thị, thành phố ban hành danh mục các tuyến đường đã đầu tư đủ hạ tầng kỹ thuật là do ở địa phương mới nắm rõ ở đó có phân lô bán nền hay không. Ông Mai Hùng Dũng khẳng định trong tuần tới sẽ họp, xem xét các quy định của tỉnh về tách thửa để phù hợp với quy định của luật Đất đai năm 2024.
Bình luận (0)