Dàn quan chức cấp cao toàn tỉ phú, triệu phú của ông Donald Trump

02/12/2016 11:02 GMT+7

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, người từng đối đầu với giới giàu có khi còn là ứng viên tranh cử, đang đưa nhiều triệu phú, tỉ phú vào bộ sậu quản lý kinh tế của mình.

Theo CNN, hôm 1.12, ông Trump đưa tỉ phú Wilbur Ross, người làm giàu nhờ gắn kết các công ty đang chết dần, làm Bộ trưởng Thương mại và ông Todd Ricketts, một thành viên của gia đình tỉ phú sở hữu hãng Chicago Cubs, làm Thứ trưởng Thương mại.
Một tỉ phú khác là Betsy DeVos được chọn làm Bộ trưởng Giáo dục. Tài sản lớn của các triệu phú Steven Mnuchin, cựu giám đốc ngân hàng được chọn vào ghế Bộ trưởng Tài chính, và Mitt Romney, người được ông Trump cân nhắc chọn vào ghế Ngoại trưởng, trông gần như không đáng kể.
Không như ông Trump, người sắp bước vào Nhà Trắng và sẽ được miễn hầu hết các luật về xung đột lợi ích, những nhân vật cấp cao nói trên sẽ phải xem xét vướng mắc tài chính của họ trước khi nhậm chức. Luật Mỹ quy định họ phải bỏ các tài sản có vấn đề để tự cứu mình khỏi một số vấn đề nhất định.
Ông Ross nói với báo giới rằng ông sẽ làm bất cứ điều gì được yêu cầu. Tỉ phú được chỉ định làm Bộ trưởng Thương mại là chủ tịch công ty cổ phần tư nhân WL Ross & Co. Ông còn là phó chủ tịch của ngân hàng Bank of Cyprus, thành viên hội đồng quản trị một công ty sản xuất thép, công ty sở hữu nhà băng và công ty năng lượng, theo hồ sơ báo cáo với giới chức. Ross cho hay ông sẽ bước ra khỏi tất cả hội đồng quản trị để tránh xung đột.
Hiện chưa rõ những gương mặt còn lại sẽ giải quyết xung đột ra sao hoặc tài sản họ sở hữu là bao nhiêu. Nhóm chuyển giao của ông Trump chưa trả lời yêu cầu bình luận từ báo chí. Nguyên tắc hướng dẫn cho các thành viên cấp cao của chính phủ là họ phải hành động thay mặt cho người dân, không phải cho bản thân.
Ông Wilbur Ross (trái) Reuters
“Bất cứ thứ gì, bất cứ khoản đầu tư nào của bạn có thể xung đột với điều đó đều gây ra vấn đề nghiêm trọng”, cố vấn Larry Noble thuộc Campaign Legal Center, nhóm quan sát chính phủ phi lợi nhuận cho biết.
Trường hợp của triệu phú Steven Mnuchin là một ví dụ. Ông là cựu đối tác tại ngân hàng Goldman Sachs, chuyển sang làm nhà sản xuất Hollywood và vẫn có quan hệ mật thiết với Phố Wall. Dù đầy đủ tài sản ông nắm giữ chưa được công bố, Mnuchin có thể sẽ cần từ chức ít nhất khỏi hội đồng quản trị của CIT Group, công ty ngành tài chính, nắm cổ phần của doanh nghiệp khác trị giá hàng tỉ USD.
Cả ông Mnuchin và Ross đều có quan hệ chặt chẽ với ngành mà họ sẽ theo sát hay quản lý ở cương vị mới. Đối tác Kenneth Gross ở công ty luật Skadden, Arps, Slate, Meagher & Flom, người hỗ trợ pháp lý cho nhiều chiến dịch tranh cử tổng thống, cho biết thông thường, những công việc điều tiết, quản lý không được giao cho các cá nhân có quan hệ sâu sắc như thế.
Dù vậy, ông Gross cho hay: “Không có ai tốt hơn là những người đã từng làm ở đó. Nếu bạn chọn một người không có kinh nghiệm gì về cách cộng đồng được quản lý đó hoạt động - dù đó là ngành năng lượng, dịch vụ tài chính hay bất kỳ bộ, ban nào của chính phủ - có khả năng lớn là người đó không làm việc hiệu quả với trọng trách được giao”.
Nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump vạch ra một số nguyên tắc cho bộ sậu mới: Bất cứ ai được chọn đứng vào chức vụ cao phải chứng minh rằng họ đã ngừng trở thành một nhà vận động hành lang, và chấp thuận lệnh cấm vận động hành lang 5 năm sau khi rời chính quyền của ông Trump. Họ cũng cần đồng ý không bao giờ đại diện cho một chính phủ nước ngoài, ông Jason Miller, giám đốc truyền thông của Tổng thống Mỹ đắc cử cho hay.
Ông Steven Mnuchin, người cũng là giám đốc tài chính cho chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ của ông Donald Trump Reuters
Bỏ khoản đầu tư để tránh xung đột có thể là động thái rắc rối. Năm 2006, CEO Goldman Sachs Henry Paulson bị buộc phải bỏ khoảng 500 triệu USD giá trị cổ phiếu ngân hàng Mỹ khi được cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush đề cử làm Bộ trưởng Tài chính.
Nếu ứng viên không muốn bỏ đầu tư, họ vẫn còn lựa chọn khác: nội các có thể cứu họ khỏi một số quyết định làm dấy lên câu hỏi về đạo đức. Carla Hills, người từng là đại diện thương mại Mỹ dưới thời cựu Tổng thống George H.W. Bush cam kết đứng ngoài trong một số trường hợp mà bộ của bà quản lý khi nó có liên quan đến hãng luật cũ của bà.
Quan hệ kinh doanh nước ngoài cũng có thể khiến mọi chuyện phức tạp hơn đối với một ứng viên như ông Rudy Giuliani, cựu Thị trưởng thành phố New York và là cố vấn hàng đầu của ông Trump. Ông Giuliani có tên trong danh sách bốn người cuối cùng để chọn cho vị trí Ngoại trưởng Mỹ. Ông từng tư vấn cho các chính phủ nước ngoài, trong đó có Qatar, Serbia và nói với báo giới rằng đó là công việc “hoàn toàn hợp pháp”.
Không phải ai ganh đua cho vị trí cao trong chính phủ cũng bám sát tiến trình chọn lọc. Eric Schmidt, Chủ tịch Alphabet (công ty mẹ của hãng Google), từng được cho là được xem xét vào ghế Bộ trưởng Thương mại dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama. Song nhận công việc này, ông Schmidt có thể phải bán hàng tỉ USD giá trị cổ phiếu Google ở thời điểm đó. Cuối cùng, sếp hãng công nghệ từ chối lời mời, nói với giới truyền thông rằng ông không hứng thú làm việc cho chính phủ liên bang.
“Cần có sự hy sinh để làm việc cho chính phủ, đặc biệt là cho một vị trí cấp cao. Bạn phải quyết định xem mình có muốn hy sinh hay không”, ông Larry Noble chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.