Chính nhờ cách ứng phó này mà trong đợt lũ vừa qua, dù lũ lên vào ban đêm và nhanh như “sóng thần” nhưng hơn 10.000 hộ dân bị ngập chìm trong biển nước ở H.Hương Khê (Hà Tĩnh) không có thiệt hại về người. Trước đó, trong các đợt lũ tương tự, ngoại trừ tài sản, lương thực không thể di chuyển kịp bị hư hỏng, còn tính mạng người dân nơi đây vẫn bình an vô sự.
Gác xép sát nóc nhà, thuyền treo bên gian chái
“Đêm ấy lũ lên quá nhanh và nước chảy rất mạnh. Chập tối, nước mới lên đến sân, đến khoảng 11 giờ đêm thì ngập gần đến mái nhà”, cụ Nguyễn Thị Khánh (84 tuổi, xã Lộc Yên, H.Hương Khê) kể về cơn lũ xảy ra đêm 14.10, khi chúng tôi tới thăm hỏi, trao quà hỗ trợ của bạn đọc Báo Thanh Niên. Cụ Khánh chỉ lên gác được làm bằng các thanh gỗ và tre, nằm gần sát nóc nhà lợp ngói, nói: “Đó là nơi tránh lũ của vợ chồng tôi trong đêm lũ lên”. Chúng tôi hỏi: “Nếu nước vẫn tiếp tục lên ngập cả gác thì sao?”, cụ trả lời: “Nếu lũ lên nữa thì phải trổ ngói để chui lên nóc nhà, rồi lên chiếc thuyền gỗ của gia đình, di chuyển đến nơi an toàn. Ở đây, gần như nhà nào cũng có gác xép sát nóc nhà, sở hữu chiếc bè hoặc chiếc thuyền gỗ để sống chung với lũ”.
Trong đợt lũ vừa qua, sau 2 ngày mưa ròng rã, đêm 14.10, nước từ nhiều hướng đổ về, cộng với việc Nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ lưu lượng khoảng 7 triệu m3/giờ, đã nhấn chìm hơn 10.000 ngôi nhà của các hộ dân ở 10 xã trên địa bàn H.Hương Khê. Ngày 15.10, khi chúng tôi có mặt tại nơi rốn lũ này, những cánh đồng, đường làng đã biến thành biển nước mênh mông. Tại xã Phương Mỹ (H.Hương Khê), nơi được xem là “đáy chảo” của vùng lũ, hơn 1.000 ngôi nhà bị ngập đến tận mái. Giữa biển nước mênh mông ấy, người dân vẫn rất bình thản. Trong những ngôi nhà nước chưa ngập đến nóc đều có người ở.
Ông Nguyễn Hồng Quân, Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ, cho biết người dân địa phương đã quen với lũ lớn và được trang bị nhiều kỹ năng để đối phó với lũ. Khi dự báo sẽ có lũ, chính quyền địa phương thông báo liên tục trên loa truyền thanh để người dân chuẩn bị ứng phó. Các gia đình có nhà cửa không an toàn, người già và trẻ em được sơ tán đến trường học cao tầng hoặc nhà dân ở trên cao trước khi lũ dâng. Gia súc, gia cầm được đưa lên cao để tránh lũ. Mỗi gia đình đều kết một cái bè hoặc sắm chiếc thuyền để ở chái nhà, toàn bộ đồ đạc, vật dụng đều được đưa lên thuyền, bè, rồi phủ kín bạt để chống nước mưa. Lũ lên thì thuyền, bè cũng nổi. “Ở vùng lũ này, hầu hết nhà dân đều có gác xép nằm sát nóc nhà. Gác xép là nơi tránh lũ và sinh hoạt cho cả gia đình hoặc một vài người lớn ở lại trông nhà khi lũ lên cao”, ông Quân nói.
|
Nhà phao, nhà bè dâng theo nước
Trong khi đó, nhiều vùng người dân lại sáng tạo làm nhà phao hay nhà bè để bám trụ với con nước.
Xã Tân Hóa (H.Minh Hóa, Quảng Bình) là vùng sâu vùng xa của huyện, người dân sống khó khăn, thiếu thốn. Xã nằm sâu trong thung lũng, xung quanh là những dãy núi đá vôi cao, tạo thành túi nước khổng lồ. Mỗi khi mưa lũ, nước khắp nơi đổ về ứ đọng rất lâu bởi nước chỉ có lối thoát qua các sông, khe ngầm dưới núi đá. Vì thế, nơi đây được mệnh danh là “rốn lũ” không chỉ của huyện mà cả tỉnh Quảng Bình. Khi có mưa lũ, nước dâng ngập từ 2 - 4 m; ngập sâu nhiều đoạn trên con đường độc đạo đi vào xã nên địa bàn bị chia cắt vài ngày. Người dân thì khăn gói lũ lượt kéo nhau lên các lèn đá trên núi cao trong cảnh màn trời chiếu đất, còn nhà cửa chìm trong biển nước, tài sản, lương thực bị cuốn trôi, hư hỏng...
Mãi cho đến sau trận lũ lịch sử kinh hoàng vào năm 2010, một số hộ dân nghĩ ra và mạnh dạn làm các chòi phao tránh lũ. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm và kinh phí, bà con chỉ làm những chòi nhỏ có đáy và vách bằng ván gỗ hoặc bằng tôn ghép lại, mái bằng tôn. Điểm mấu chốt của loại chòi này là gọn nhẹ và dưới đáy phía ngoài có gắn những thùng phuy sắt, nhựa kín hoặc các vật liệu nổi để đủ sức nâng chòi trong đó chứa đồ đạc sinh hoạt và người nổi trên nước. Ở phía ngoài hai bên chòi được cố định bằng 2 cây tre, gỗ cắm xuống đất hoặc dây neo để chòi giữ thăng bằng và không bị trôi dạt. Cứ như thế, nước lũ lên chừng nào thì chòi nổi lên theo đó. Khi lũ đổ về, người dân chuyển đồ đạc, lương thảo và vật dụng sinh hoạt thiết yếu lên chòi rồi tất cả các thành viên gia đình cùng lên đó trú ngụ, bắt đầu những ngày sống chung với lũ mà không phải lo lắng chạy lũ lên núi trong mưa gió, đói rét nữa. Nhờ đặc điểm nước nơi đây dâng cao nhưng không chảy xiết, nên cho mô hình này phát huy tác dụng. Thấy hiệu quả, người dân thay vì làm chòi đã nâng cấp thành những ngôi nhà tương đương nhà chính đang ở. Một nhà phao rộng chừng 15 - 20 m2, chi phí tầm 20 - 30 triệu đồng.
Năm 2012, Phó chủ tịch UBND xã Tân Hóa Hồ Thị Hồng tìm tòi, nghiên cứu thêm để hoàn thiện những điểm thiết kế của loại nhà này, phổ biến rộng rãi cho người dân. Từ đó cho đến nay, số lượng nhà phao tại xã Tân Hóa ngày càng tăng lên. Hiện toàn xã có 319 nhà phao, số lượng khoảng 50% tổng hộ dân.
Ông Ngô Thanh Đá, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, cho hay nhờ sử dụng nhà phao, nhà bè nên thiệt hại do mưa lũ tại địa bàn sẽ ngày càng được hạn chế. Với những hộ chưa có nhà bè, họ sẽ tiết kiệm tiền cộng với vay mượn thêm để đóng; bổ sung số lượng qua từng năm. Đơn cử như gia đình ông Trương Thanh Vân (ở thôn 2, Yên Thọ) đã nhờ thêm người tập trung làm nhà bè tránh lũ ngay trước thềm mùa mưa lũ năm nay, khi còn đang thu hoạch lúa hè - thu. Nhờ thế mà gia đình ông ổn định hơn, không bị thiệt hại nhiều như những năm trước.
Chung tiền làm nhà nổi
Mô hình nhà bè cũng được nhiều hộ dân ở Hà Tĩnh áp dụng để sống chung với lũ. “Năm nay lũ lên chưa cao bằng trận lũ lịch sử năm 2010, nhưng nước lên nhanh trong đêm tối. Cả nhà tôi và một gia đình hàng xóm gồm 8 người đều lên nhà bè sinh sống. Nếu không có nhà bè thì không biết điều gì đã xảy ra”, anh Ngô Xuân An (34 tuổi, ngụ tại xóm 8, xã Hòa Hải, H.Hương Khê) nói.
Theo anh An, trước mùa mưa lũ năm nay, vợ chồng anh và một gia đình hàng xóm góp được 20 triệu đồng, mua vật liệu về tự đóng nhà bè 24 m2. Bộ khung của nhà bè được làm bằng ống sắt, các vách và mái nhà làm bằng tôn. Sau đó, anh An buộc chặt 10 thùng phuy bằng nhựa dưới đáy nhà bè. “Trong các trận lũ lịch sử năm 2010 và năm 2012, cả nhà tôi phải mang theo gạo, xoong nồi, chăn, áo quần... lên núi căng bạt trú tránh do nước lũ lên cao quá, ngập cả nóc nhà. Bây giờ có nhà bè này rồi, chúng tôi không còn quá lo lắng mỗi khi lũ về”, anh An nói.
Gia đình anh Đào Quang Cường (27 tuổi, ngụ xóm 7, xã Hòa Hải, H.Hương Khê) cũng có một nhà bè rộng 30 m2. Trong đợt mưa lũ vừa qua, sau khi di chuyển vợ con lên vùng cao, anh đưa đồ dùng, heo, dê lên nhà tránh lũ. “Đợt lũ này nước xuống chậm, tôi phải ăn ngủ với gia súc trên nhà bè mấy hôm. Nhờ có nhà bè mà gia súc và đồ đạc của chúng tôi không bị lũ cuốn trôi”, anh Cường nói.
Theo ông Nguyễn Đình Quang, Chủ tịch UBND xã Hòa Hải, toàn xã có 1.868 hộ dân thì 100 gia đình đã có nhà bè tránh lũ. Nhờ có nhà bè mà trong đợt lũ này trên địa bàn không có thiệt hại về người. Nước lên, nhà lên theo. Nước xuống, nhà theo xuống. Độ an toàn của nhà bè rất cao.
|
Chính phủ hỗ trợ
Bên cạnh những mô hình nhà chống lũ người dân tự sáng tạo, đầu tư, nhiều năm qua nhà nước đã có chương trình hỗ trợ người dân vay vốn làm nhà chống lũ.
Chỉ tay vào ngôi nhà 2 tầng kiên cố của gia đình, ông Trần Minh Hiền (76 tuổi, ngụ thôn 1, xã Phương Điền, H.Hương Khê, Hà Tĩnh) cho biết đó là nhà chòi tránh lũ được nhà nước hỗ trợ. Ngoài tiền hỗ trợ, ông vay mượn thêm 200 triệu đồng để biến chòi tránh lũ thành nhà chòi. “Trước đây, khi nước lũ lên, 6 người trong gia đình chúng tôi leo lên gác xép tránh lũ. Nhưng đợt lũ năm 2010, nước lũ đạt ngưỡng lịch sử là 5 m nên ngập gác xép, không thể ở được mà phải di dời lên núi. Năm nay, nhờ có nhà chòi kiên cố, chúng tôi yên tâm sống chung với lũ, không còn thấp thỏm lo âu như trước nữa”, ông Hiền chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Phương Điền, trên địa bàn xã có 13 hộ có chòi tránh lũ. “Chòi tránh lũ giúp bà con “sống chung” với lũ rất hiệu quả. Nhờ có chòi tránh lũ mà khi nước lũ dâng cao, người dân di chuyển lên sinh sống trên nhà chòi này chờ nước lũ rút xuống”, ông Minh nói.
Còn ông Nguyễn Đình Quang, Chủ tịch UBND xã Hòa Hải (H.Hương Khê, Hà Tĩnh), cho biết từ năm 2011 nhà nước đã hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách xây dựng chòi tránh lũ. Sau 5 năm triển khai, 60 hộ gia đình trong xã đã có nhà chòi. “Chòi tránh lũ có giá thành 30 - 40 triệu đồng. Mỗi hộ xây chòi tránh lũ được Chính phủ hỗ trợ 10 triệu đồng, được ngân hàng cho vay 10 triệu đồng với lãi suất thấp. Ngoài tiền được hỗ trợ, đa số người dân tự vay mượn thêm để xây dựng chòi tránh lũ có diện tích lớn hơn”, ông Quang nói.
Theo ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND H.Hương Khê, nằm trong chương trình thí điểm dự án xây chòi tránh lũ, Hà Tĩnh có khoảng 99 hộ dân nghèo tại 3 xã là Hòa Hải, Phương Mỹ (H.Hương Khê) và xã Sơn Thịnh (H.Hương Sơn) được thụ hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước. Đến năm 2015, số hộ được thụ hưởng chính sách này tăng lên thành hơn 200 hộ. “Cái được lớn nhất từ chương trình thí điểm này là giải quyết được việc tránh lũ cấp bách đối với những hộ ngập sâu, không kịp sơ tán mỗi khi lũ về”, ông Huấn nói.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Văn Phú Chính, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, Cục trưởng Cục Phòng, chống thiên tai, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), cho biết qua thực tế khảo sát ở nhiều vùng lũ lụt ở Hà Tĩnh và Quảng Bình trong đợt mưa lũ vừa qua, ở những nơi nào người dân xây dựng nhà, chòi tránh lũ thì thiệt hại xảy ra ở mức thấp nhất, đặc biệt là không có thiệt hại về người như những trận lũ trước đây. Nhà, chòi tránh lũ không những giúp dân đảm bảo an toàn về tính mạng khi lũ ập về bất ngờ mà còn giữ được tài sản, vật nuôi không bị lũ cuốn trôi. Khảo sát ở các địa phương miền Trung, Hà Tĩnh và Quảng Bình nằm trong số những địa phương làm tốt nhất chủ trương vận động, khuyến khích người dân vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai lũ lụt xây nhà, chòi vượt lũ. Cụ thể, ở Hà Tĩnh đã có 800 hộ dân có nhà, chòi tránh lũ đã đáp ứng khoảng 70% chỉ tiêu trong toàn tỉnh. Còn tại Quảng Bình cũng đã có 2.000 nhà, chòi tránh lũ được xây dựng, đáp ứng gần 50% chỉ tiêu.
Thanh Niên
|
Bình luận (0)