Chẳng nói gì nhiều, ai cũng hăm hở giơ tay phản đối ngay sau khi bác tổ trưởng dân phố nêu thông tin về đề nghị tăng phí thu gom rác. Một chị còn hùng hồn so sánh chuyện tăng tiền phí thu gom rác với chuyện tốc độ tăng lương. Nghĩ cũng phải, thời buổi cái gì cũng tăng tăng tăng, mà lương thì tăng chậm đều đều, ai mà chẳng tâm tư mỗi khi nghe chuyện tăng giá này giá nọ.
Một chị khác, đầy thiện chí, cố phân tích cho bà con dân phố rằng muốn khu phố mình, công viên mình sạch đẹp như mong ước thì nên tăng tiền để việc thu gom rác sẽ chuyên nghiệp hơn, văn minh hơn. Chị ấy cũng liên hệ đến hoàn cảnh làm việc của những người làm nghề thu gom rác, đáng chia sẻ lắm.
Các ý kiến cứ thế mà bàn qua bàn lại, rồi biểu quyết. Kết quả là không đồng tình với việc tăng phí thu gom rác. Mà đại để các cơ sở quan trọng nhất để dựa vào là sao tự nhiên lại tăng, chẳng có thuyết minh gì cụ thể cả.
Tôi cũng cố gắng lục lọi trong hiểu biết của mình, rằng rác mà mỗi ngày nhà mình xả ra sẽ đi về đâu, được xử lý thế nào, và cần chi phí đến đâu thì hợp lý. Đời sống ở một đô thị lớn như TP.HCM mà người dân không biết, không hiểu chuyện này thì đúng là làm sao bảo họ đồng tình dễ dàng với một chuyện như tăng phí thu gom rác?
Với nhiều người, rác mà, cứ đem ra để chỗ nào đó trước nhà, gần nhà, rồi ắt phải có người đến thu gom. Là ai thu gom? Trước hết là những người làm nghề lượm ve chai (ngoài bắc gọi là nghề đồng nát”). Họ không ngại lục lọi trong những túi rác bẩn thỉu những thứ còn có thể tận dụng được để bán.
Một vài lon bia, mấy món đồ nhựa, đại loại thế. Thế là vô tình, họ trở thành một lực lượng giúp tận dụng nguồn “tài nguyên rác” có thể đã bị lãng phí. Nhưng họ tạo ra một vài rắc rối khác, chẳng hạn xáo tung phần rác hữu cơ còn lại, làm vấy bẩn và phát tán hôi thối. Rồi đến lượt những người thu gom rác đã có hợp đồng chính thức cho công việc này.
Thế là quen rồi, người ở đô thị Việt Nam cứ mặc nhiên xem chuyện dọn rác là chuyện của ai đó, không phải của mình. Việc của mình là trả tiền. Không cần biết luồng rác thải sẽ dịch chuyển thế nào, tạo ra gánh nặng xã hội lớn như thế nào. Và cũng ít ai đặt ra một giả định, rằng một ngày nào đó nếu thiếu những người thu gom rác, vài ngày thôi, thì mọi thứ xung quanh sẽ khủng khiếp thế nào.
Cái tư duy ấy có ngay trong suy nghĩ của cán bộ phường. Là đề nghị thu tiền, tăng tiền để thuê ai đó làm, lâu lâu một chút lại đề nghị tăng. Mà chắc chẳng bao giờ nghĩ đến việc làm gì đó cần thiết để người dân hiểu sâu sắc hơn và tham gia thật sự vào công việc thu gom rác thải ở đô thị. Nếu cứ vậy thì chúng ta chẳng bao giờ xây dựng được một lối sống đô thị thật sự văn minh ngang bằng với lối sống văn minh ở nhiều đô thị trên thế giới.
Phải đặt tiêu chuẩn ứng xử với rác vào khung tiêu chuẩn căn bản của lối sống văn minh đô thị. Đằng sau tiêu chuẩn ứng xử với rác thật ra bao hàm nhiều giá trị hành xử với môi trường, với tài nguyên, với cộng đồng, với gia đình, với chính bản thân mình.
Nhưng phường đã nghĩ thế chưa? Người dân đô thị đã nghĩ thế chưa? Hay là vẫn đang nghĩ, cứ nộp tiền để ai đó dọn rác cho mình là xong?
Vấn đề không đơn giản là tăng tiền thu gom rác. Vấn đề không đơn giản là chở rác đi khỏi nhà bạn. Vấn đề là với tư cách một người dân đô thị, bạn đã hành xử đúng với rác do chính mình xả ra hay chưa? Hãy nhìn vào túi rác nhà bạn mỗi ngày trước khi đưa ra ngoài, rằng bạn đã làm đúng, phân loại rác nào ra rác nấy. Chưa làm được việc ấy thì bạn chưa phải là người dân sống ở thành phố đúng nghĩa của từ này.
Bình luận (0)