Dân tố bị chiếm nhà, cơ quan tố tụng hành xử trái ngược nhau: Tòa tuyên phạt tội xâm phạm chỗ ở

16/06/2020 05:00 GMT+7

Trong bài trước, Thanh Niên phản ánh cơ quan tiến hành tố tụng và chính quyền Q.6 (TP.HCM) “lúng túng” trong việc xử lý hành vi bẻ khóa, chiếm nhà của gia đình bà N.T.N ; không xử lý hình sự. Nhưng trong một vụ việc tương tự, cơ quan tố tụng lại có quan điểm khác.

TAND TP.HCM sắp xét xử phúc thẩm vụ án “xâm phạm chỗ ở của công dân” đối với bị cáo Nguyễn Hồng Ngân (50 tuổi, ngụ Q.2, TP.HCM). Vụ án từng bị TAND TP.HCM xử phúc thẩm (lần 1) trả hồ sơ, yêu cầu cấp sơ thẩm, cơ quan tiến hành tố tụng Q.7 (TP.HCM) điều tra bổ sung vào năm 2018. Đến năm 2019, Viện KSND (VKS) Q.7 tiếp tục truy tố Nguyễn Hồng Ngân ra tòa về tội danh trên. Tháng 10.2019, TAND Q.7 tuyên phạt bị cáo Ngân 6 tháng tù.

Khu nhà nơi có căn hộ bà Ngân bẻ khóa, xâm nhập trái phép

Ảnh: Khả Hòa

Gọi thợ khóa phá cửa nhà đã bán

Theo hồ sơ vụ án, năm 2004, Nguyễn Hồng Ngân mua một căn hộ tại P.Tân Phong (Q.7). Đến đầu năm 2012, thông qua môi giới, bà Ngân bán căn hộ trên cho bà T.T.T.Q với giá 5,4 tỉ đồng. Sau đó, bà Q. thanh toán gần 5 tỉ đồng cho Ngân thông qua giao dịch tại ngân hàng. Hơn 400 triệu đồng còn lại, hai bên thỏa thuận khi nào Ngân sang tên căn hộ sẽ thanh toán. Tại thời điểm nay, Ngân cũng bàn giao hồ sơ gốc căn hộ và bàn giao căn hộ cho bà Q. ở. Từ tháng 5.2012, bà Q. cùng gia đình dọn vào ở tại đây.
Trong tháng 6.2015, Ngân gửi email cho bà Q. yêu cầu được thanh toán tiếp 250 triệu đồng, nhưng bà Q. không đồng ý, vì các bên chưa sang tên trên sổ hồng theo thỏa thuận.
Cũng thông qua email trao đổi, Ngân biết gia đình bà Q. đang ở Úc, nên ngày 27.6.2015, Ngân cùng con trai (sinh năm 2000) đến căn hộ, nhờ bảo vệ khu chung cư kêu thợ khóa đến mở khóa căn hộ. Sau đó, Ngân và con trai tự ý vào ở trong căn hộ. Đến ngày 29.6.2015, người nhà bà Q. phát hiện sự việc, tố giác hành vi phá khóa cửa vào căn hộ của Ngân đến công an.
Nhận tin báo tố giác, công an kiểm tra, phát hiện Ngân và con trai đang ở trong căn hộ của bà Q. Qua kiểm tra túi xách đeo trên người Ngân, công an phát hiện một số giấy tờ của bà Q. Điều tra sự việc, Công an Q.7 khởi tố Ngân về tội “xâm phạm chỗ ở của công dân”. Năm 2017, TAND Q.7 xử sơ thẩm lần 1 tuyên phạt Ngân 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Tuy nhiên, năm 2018, TAND TP.HCM xử phúc thẩm lần 1 hủy án, trả hồ sơ để điều tra, truy tố, xét xử lại.
Năm 2019, VKS TP.HCM tiếp tục truy tố Ngân về tội “xâm phạm chỗ ở của công dân”. Tại phiên tòa sơ thẩm lần 2 tại TAND Q.7, Ngân khai bị cáo cùng con trai có vào căn hộ, có nhờ thợ khóa mở cửa và thay ổ khóa, vì đây là căn hộ của bị cáo. Khi được chủ tọa hỏi về thủ tục mua bán, bàn giao căn hộ và các lần chuyển tiền mua bán căn hộ thì Ngân im lặng.
Ngoài ra, bản án phúc thẩm lần 1 năm 2018 của TAND TP.HCM nhận định, bị cáo trình bày hợp đồng mua bán giữa các bên được lập là giả cách nhằm để bà Q. vay tiền ngân hàng và bị cáo chỉ nhận của bà Q. 540 triệu đồng; thực tế bà Q. không ở căn hộ trên mà thường xuyên ở nước ngoài; việc vào căn hộ và thay khóa đều được bị cáo báo cho bà Q... Vì vậy cấp xét xử phúc thẩm lần 1 yêu cầu phải làm rõ căn hộ có phải là chỗ ở hợp pháp của bà Q. được pháp luật công nhận, bảo vệ và hành vi của bị cáo vào trong căn hộ này, hành vi xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.
Từ yêu cầu này của tòa phúc thẩm lần 1, và dù bị cáo dùng “quyền im lặng” khi vụ án được xét xử lại, HĐXX sơ thẩm lần 2 đã căn cứ vào các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án, lời khai tại phiên tòa của người làm chứng và đương sự khác để nhận định bị cáo Ngân phạm tội “xâm phạm chỗ ở của công dân” và tuyên phạt 6 tháng tù.
Tháng 5.2020, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM có kết luận điều tra bổ sung, đề nghị VKS cùng cấp truy tố Nguyễn Hải Nam (45 tuổi, nguyên Phó chánh án TAND Q.4, TP.HCM) và Lâm Hoàng Tùng (29 tuổi, nguyên giảng viên Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM) về tội “xâm phạm chỗ ở của người khác”.
Kết luận điều tra xác định, xuất phát từ tranh chấp hợp đồng mua bán căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm (P.Đa Kao, Q.1) giữa bà Hoàng Trọng Anh Chi và bà Hoàng Thị Thu Thảo, chiều 19.9.2019, khi bà Thảo không có nhà, Lâm Hoàng Tùng, Nguyễn Hải Nam cùng một số người khác đã xông vào căn nhà này, dùng vũ lực và gây sức ép tinh thần đuổi những người trong nhà ra khỏi nhà và chiếm giữ căn nhà đến ngày 28.9.2019.
Sau khi chiếm giữ căn nhà, bị can Tùng giao cho công ty bảo vệ trông coi; không cho người nhà của bà Thảo vào nhà. Tại CQĐT, 2 bị can không thừa nhận hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, căn cứ vào tài liệu điều tra và chứng cứ thu thập được, CQĐT đánh giá đủ cơ sở kết luận hành vi của Lâm Hoàng Tùng, Nguyễn Hải Nam đã phạm vào tội “xâm phạm chỗ ở của người khác”.

Vì sao thẩm phán Nguyễn Hải Nam, giảng viên Lâm Hoàng Tùng bị bắt?

Xâm phạm trái pháp luật chỗ ở

HĐXX sơ thẩm lần 2 phân tích, dù Ngân khai không mua bán căn hộ với bà Q. và không nhận số tiền bán căn hộ gần 5 tỉ đồng, mà chỉ nhận 540 triệu đồng là tiền thuê nhà mà bà Q. trả cho bị cáo, song chứng cứ là các sao kê mà CQĐT thu thập từ các ngân hàng nơi bị cáo mở tài khoản, đều thể hiện bà Q. đã chuyển tiền mua bán căn hộ vào tài khoản của bị cáo nhiều lần với tổng số tiền gần 4,8 tỉ đồng.
Đồng thời, dựa vào lời khai của người làm chứng, việc bị cáo giao giấy tờ căn hộ và chìa khóa căn hộ cho bà Q. sử dụng (theo phần 4 phụ lục hợp đồng đặt cọc), đủ căn cứ xác định bị cáo đã thực hiện các giao dịch chuyển nhượng căn hộ của mình cho bà Q. Bà Q. đã sử dụng căn hộ này làm chỗ ở của mình, đăng ký tạm trú với chính quyền địa phương.
Tại biên bản xác minh ngày 2.2.2016, Công an P.Tân Phong (Q.7) xác nhận bà Q. cùng gia đình có ở tại căn hộ từ năm 2012 đến thời điểm trên; nội dung xác minh này phù hợp với thời điểm bị cáo và người bị hại ký hợp đồng chuyển nhượng căn hộ vào đầu năm 2012; bị cáo giao nhà và bị hại chuyển đến cư trú từ năm 2012. Từ đó, HĐXX khẳng định căn hộ là chỗ ở của bà Q., được pháp luật công nhận và bảo vệ.
Ngoài ra, theo HĐXX, căn cứ lời khai của người làm chứng là ông Đ.H.G (thợ sửa khóa) thì bị cáo đã có hành vi tự ý kêu thợ khóa đến để mở căn hộ khi không có sự đồng ý của bà Q. - là hành vi xâm phạm trái pháp luật chỗ ở của công dân, bất kể tại thời điểm đó, bà Q. có hay không có mặt ở căn hộ này.
“Từ nhận định nêu trên, đủ cơ sở xác định bị cáo đã xâm phạm trái pháp luật quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác. Do đó đã phạm tội xâm phạm chỗ ở của công dân, thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 điều 124 bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)”, bản án sơ thẩm lần 2 phân tích. (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.