South China Morning Post dẫn câu chuyện của Wang Xiaoxu về trải nghiệm tại một nhà hàng ở Thâm Quyến. Cô Wang phải bỏ bữa ăn với bạn bè sau khi bị hệ thống gọi món chặn vì cô từ chối chia sẻ dữ liệu thông qua điện thoại di động. "Không có thực đơn giấy, chỉ có mã QR có thể được quét trên bàn. Tôi phải đồng ý rằng tên WeChat, chân dung và vùng sinh sống của tôi bị thu thập, nếu không tôi không thể xem thực đơn, gọi món hoặc thanh toán", nữ kỹ sư 28 tuổi cho hay.
Vấn đề của Wang đang ngày càng phổ biến ở Trung Quốc, nơi nhiều người từng tận hưởng sự tiện lợi được cung ứng bởi các dịch vụ kỹ thuật số nhưng chưa hiểu hết về các điểm tiêu cực tiềm ẩn khi chia sẻ dữ liệu cá nhân. Giờ đây, quan điểm cho rằng người Trung Quốc không lo về việc bị theo dõi "nhất cử nhất động" đang thay đổi.
Tháng trước, Chang Lijie, người cũng sống ở Thâm Quyến, cho biết ông từ bỏ chuyện cố gắng mua vé xem phim online sau khi Maoyan, ứng dụng bán vé phim lớn nhất Trung Quốc, hỏi số điện thoại, thông tin danh tính cá nhân và chi tiết việc làm của ông.
|
"Thật không thể chấp nhận được khi tôi phải chia sẻ thông tin cá nhân chỉ để ăn hoặc xem phim. Tôi có thể hiểu được yêu cầu truy cập vị trí của một thiết bị cung cấp thông tin thời tiết, song tại sao tôi lại phải chia sẻ số điện thoại và số chứng minh thư của mình chỉ để mua vé xem phim?", Chang Lijie nói.
Dù Trung Quốc từ trước đến nay vẫn là nước có luật về quyền riêng tư yếu, lo ngại của người dân về quyền riêng tư và tình hình khai thác dữ liệu cá nhân trên diện rộng đang gia tăng tại các thành phố như Thâm Quyến, nơi là nhà của Tencent, Huawei Technologies, ZTE và nhiều hãng công nghệ lớn khác. Dù thanh toán không dùng tiền mặt đã là xu hướng trên cả nước, chuyện thanh toán cho mua sắm, ăn uống gần như là trải nghiệm trực tuyến tại thành phố công nghệ Thâm Quyến.
Dingding Zhang, cựu giám đốc Sootoo Institute, cho hay: "Nhiều người dùng internet ngày càng lo về việc thu thập dữ liệu và vấn đề bảo mật. Người dùng không quan tâm đến chuyện rò rỉ dữ liệu cá nhân có thể không nhận ra việc này có thể làm tổn thương họ đến mức nào".
|
Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc gần đây cho biết nhiều ứng dụng smartphone ở Trung Quốc đang thu thập quá nhiều dữ liệu cá nhân, trong đó có vị trí, danh sách liên lạc và số điện thoại di động. Báo cáo công bố cuối năm ngoái cho biết 91/100 ứng dụng di động được xem xét bị nghi ngờ thu thập quá nhiều dữ liệu từ người dùng. Nhiều nội dung dữ liệu vượt quá yêu cầu của dịch vụ, quá mức và điều này là bất hợp pháp.
Đến nay, các hãng Trung Quốc vẫn còn lấp lửng về quyền riêng tư dữ liệu. Một mặt, họ công bố lợi ích của dữ liệu lớn với các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI), với việc tạo trải nghiệm tiêu dùng hiệu quả, cá nhân hóa hơn. Mặt khác, họ phải đối phó với lo ngại gia tăng về cách thông tin riêng tư được thu thập và sử dụng để giữ lòng tin của người dùng.
Báo cáo Internet Trung Quốc 2019 cho biết AI được sử dụng trên quy mô lớn ở Đại lục, với nhiều ứng dụng từ trả tiền vé tàu điện ngầm, nhận phòng khách sạn cho đến giúp chính quyền theo dõi tội phạm lẩn trốn. Nhà đầu tư mạo hiểm kiêm cựu giám đốc Google Trung Quốc Kai-fu Lee cho hay trong thời đại AI ngày nay, dữ liệu là tài nguyên "dầu mới" và Trung Quốc là nước có nhiều nó hơn bất cứ quốc gia nào.
|
Cuộc khảo sát do Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc thực hiện năm ngoái cho thấy 85% người Trung Quốc bị rò rỉ dữ liệu, chẳng hạn như rò rỉ số điện thoại hoặc email cho các bên gửi thư rác. Hiện phần lớn người Trung Quốc vẫn không có cách nào ngoài việc chia sẻ dữ liệu, nếu không họ sẽ bị chặn khỏi việc sử dụng ứng dụng yêu thích hoặc thanh toán dịch vụ, hàng hóa.
"Tôi không quan tâm đến việc thu thập dữ liệu. Camera dù gì cũng ở mọi nơi trên khắp Trung Quốc rồi và tôi nghĩ nỗ lực bảo vệ dữ liệu của mình là vô ích. Tôi tự an ủi bản thân rằng các ứng dụng giúp cuộc sống hằng ngày của tôi thuận tiện hơn. Nếu bạn muốn có thông tin của tôi thì đây này, nó là của bạn", Yu Zhiyao, nhân viên bán hàng 32 tuổi, cho biết.
Không chỉ Trung Quốc đối mặt với khủng hoảng quyền riêng tư dữ liệu mà Mỹ cũng thế. Thượng viện Mỹ tổ chức nhiều phiên điều trần về luật quyền riêng tư mới nhằm bảo vệ toàn bộ dân Mỹ, trong khi Quy định Bảo vệ Dữ liệu Chung có hiệu lực trên toàn Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 5.2018.
Bình luận (0)