Người dân thất thần, bất lực nhìn vụ mùa bội thu đầu tiên sau đợt hạn hán của họ bị tàn phá. Nhiều nông dân đã buộc phải đốt hết cỏ khô và ngũ cốc bị nhiễm độc do chuột phá hoại. Nhiều người đang phải vật lộn để tránh phá sản trong khi chờ đợi những hỗ trợ kiểm soát từ chính phủ Úc.
Cơn ác mộng kinh hoàng
Không chỉ gây sức ép lên tài chính mà đại nạn chuột còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của con người. Loài gặm nhấm này mang trên mình nhiều mầm bệnh và những nguy cơ lây nhiễm. Không chỉ vậy, mùi hôi thối từ xác chết của chúng còn là nỗi ám ảnh của người dân.
Theo đài ABC hồi cuối tháng 5, nông dân đã chi nhiều tiền để mua bả chuột nhưng số lượng chuột đang tiếp tục tăng lên nhanh chóng. Ông Roy Butler, nghị viên đại diện quận bầu cử Barwon tại NSW nói rằng đây không chỉ là vấn đề của những người nông dân mà là của toàn cộng đồng.
Ông Butler cho biết chuột xuất hiện khắp nơi, từ trong nhà, ngoài đồng cho đến các cửa hàng tại nhiều thị trấn trên toàn bang. Đối với các cửa hàng kinh doanh thực phẩm, họ phải bỏ đi một số lượng hàng khổng lồ trong kho vì bị chuột cắn nhưng không được bảo hiểm bồi thường.
Cặp đôi Robert và Karri Brennan, chủ tiệm bánh tại thị trấn Narromine cho biết nạn chuột phá hoại đang khiến doanh nghiệp điêu đứng khi doanh số giảm 40%. Vì phải chi nhiều tiền để mua thiết bị bảo quản, vệ sinh và mua bả chuột, cửa tiệm phải giảm người làm từ 28 xuống còn 8 người.
|
Bà Anne Cullen - cư dân của thị trấn Coonamble đã phải đốt toàn bộ ngũ cốc và cỏ khô, dù trước dành gần hết lợi nhuận thu được từ mùa trước để đối phó với bầy chuột. Giờ đây, cả những cây đậu lupin bà mới gieo cũng đang bị loài gặm nhấm này tàn phá ngay sau khi nảy mầm.
Hiệu ứng domino
Bà Cullen lo ngại nạn chuột phá hoại sẽ làm tăng giá thực phẩm. “Sẽ không có bánh mì hoặc giá bánh mì và bánh quy sẽ tăng cao. Nếu lũ chuột phá hoại các cánh đồng lúa mạch, giá bia sẽ tăng. Bên cạnh đó, tất cả các hoạt động xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng, đó là hiệu ứng domino”, bà Cullen nói.
Chuyên gia Steve Henry tại Cơ quan nghiên cứu khoa học CSIRO (Úc) cho biết: “Chúng tôi sợ rằng, nếu lượng lớn chuột sống sót qua mùa đông thì chúng sẽ sinh sản một cách khủng khiếp, khiến số lượng tăng lên đáng kể vào mùa xuân”.
Trong tháng 5, chính quyền NSW đã công bố một quỹ hỗ trợ ứng phó với nạn chuột trị giá 50 triệu AUD. Nông dân sẽ được hỗ trợ chế bả chuột miễn phí nhưng không được hoàn tiền đã mua bả chuột trước đây. Các doanh nghiệp bị thiệt hại do chuột phá hoại được hoàn tiền mua bả chuột lên đến 1.000 AUD, nếu có hóa đơn và mua bả từ ngày 13.5.
Chính quyền bang cũng xin phép Cục Quản lý thuốc trừ sâu và thú y Úc (APVMA) cấp phép khẩn cấp sử dụng bromadiolone - một chất cực độc, để dùng trong công tác diệt chuột. Tuy nhiên, nông dân lại không ủng hộ hành động này vì lo ngại về nguy cơ ngộ độc thứ cấp và muốn tiếp tục sử dụng kẽm photphua.
|
Trong khi nông dân khổ sở đấu tranh với ‘đội quân’ chuột hùng hậu, Tổ chức bảo vệ quyền lợi động vật (PETA) kiến nghị không được giết chuột dù chúng đang xâm hại tài sản. Người phát ngôn PETA Aleesha Naxakis nói rằng “bầy chuột đáng yêu và chỉ đang tò mò tìm kiếm thức ăn”. Bà này cho rằng nên bẫy chuột một cách nhân đạo, “bắt chúng nhẹ nhàng rồi thả chúng lành lặn”. Ông John Barilaro, Phó thủ hiến bang NSW chỉ trích những bình luận của nữ phát ngôn viên PETA là “lố bịch” và “xúc phạm” đối với những người nông dân đang làm việc cật lực để chống chọi với “đại dịch” chuột.
Bình luận (0)