Dân vẫn khổ vì quy hoạch treo

06/07/2022 05:46 GMT+7

HĐND TP.HCM đã có nhiều nghị quyết về xóa quy hoạch treo nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân có nhà đất bị ảnh hưởng.

Thế nhưng từ năm này qua năm khác, rất nhiều người dân trên địa bàn TP.HCM vẫn khổ dai dẳng vì dự án treo.

Những ngày đầu tháng 7.2022, đường đê bao Rạch Già dẫn vào dự án (DA) Khu thể dục thể thao - khu số 19 (xã An Phú Tây, H.Bình Chánh) khá vắng vẻ. Càng đi sâu vào lõi DA, con đường huyết mạch hẹp dần, rộng chừng 2 m. Cả đời gắn bó với mảnh đất này, ông Nguyễn Văn Nghĩa (50 tuổi, ngụ ấp 3, xã An Phú Tây) đã nghe đến chuyện quy hoạch khu thể dục thể thao “ôm” lấy khu đất nhà mình từ năm 1995. Qua nhiều đời chủ đầu tư, đến nay DA vẫn chỉ là bãi đất trống, vắng vẻ, hiu quạnh.

Hủy dự án nhưng quy hoạch còn đó

DA Khu thể dục thể thao - khu số 19 là một trong 61 DA được HĐND TP.HCM thông qua nghị quyết hủy bỏ việc thu hồi đất (do đã quá 3 năm chưa triển khai thực hiện) vào kỳ họp cuối năm 2020. Nghị quyết giao UBND TP.HCM công bố công khai hủy bỏ việc thu hồi đất để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Dự án Khu thể dục thể thao xã An Phú Tây (H.Bình Chánh) bị “treo” hàng chục năm qua, người dân phải sinh sống trong những ngôi nhà tạm bợ

XUÂN KHÁNH

Tuy nhiên, khi được PV Thanh Niên trao đổi DA này đã được HĐND TP.HCM hủy bỏ 2 năm trước, nhiều người dân tỏ ra khá bất ngờ vì họ không được chính quyền địa phương hay ấp thông báo. Nhiều người cũng bức xúc cho rằng, hủy bỏ việc thu hồi đất đồng nghĩa với DA bị hủy; nhưng quy hoạch vẫn giữ thì người dân cũng vẫn chịu cảnh “treo”.

Đường nhỏ hẹp ở nơi quy hoạch treo nên việc đi lại rất khó khăn. “Mỗi lần đi họp, người dân đều kiến nghị sửa đường, đặt đường ống nước sạch cho dân xài nhưng mãi vẫn không có động tĩnh gì”, ông Nguyễn Văn Nghĩa bức xúc.

Khu đất của gia đình ông Nghĩa khoảng 1.000 m2, đều nằm trong khu quy hoạch. Mấy tháng trước, ông Nghĩa ra xã xin phép sửa chữa và xây nhà trọ cải thiện thu nhập, nhưng xã không giải quyết cho xây cao vài tầng mà chỉ được cao 4 m đổ lại, và phải cam kết không đòi đền bù phần xây mới khi quy hoạch được thực hiện. Ngán ngẩm với quy hoạch treo, ông Nghĩa đã nghĩ đến việc đi khỏi nơi ông đã gắn bó gần cả đời người, nhưng lại lừng khừng vì không biết đi đâu.

Cách đó không xa, nhà ông Lê Tấn Thành (cùng ấp 3, xã An Phú Tây) bức xúc vì con cái đã lớn mà nhà lại nhỏ, ở chung thì chật chội mà thuê trọ thì tốn tiền, dù đất đai thì sẵn có. Bức bí quá, gia đình chỉ dám xây nhà tạm bợ, lợp bằng tấm tôn cho con cái ở, chứ không được phép xây nhà kiên cố, dù đã chấp nhận ký cam kết tự giác tháo dỡ khi triển khai dự án.

H.Bình Chánh có hơn 300 DA đang triển khai, trong đó có nhiều DA “treo” hàng chục năm, mà điển hình là khu đô thị Sing Việt (xã Lê Minh Xuân) thường xuyên được người dân nêu ra trong các buổi tiếp xúc cử tri của các đại biểu quốc hội và HĐND TP.HCM. Do không được giải quyết dứt điểm nên nơi đây trở thành điểm nóng về khiếu nại và là một trong 8 vụ khiếu nại đông người, kéo dài nhiều năm qua mà TP.HCM đang nỗ lực giải quyết.

Những khu công nghiệp trên giấy

Giữa tháng 6.2022, khi thông tin các huyện định hướng và xác định lộ trình phát triển lên thành phố càng khiến người dân trong vùng DA “treo” nửa mừng nửa lo.

Ông Nguyễn Văn Tài (69 tuổi, ngụ tổ 12, ấp 2, xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn) nói: “Với hạ tầng, đường sá, nhà cửa nhếch nhác như nhiều năm qua thì lên thành phố chỉ là giấc mơ xa vời”.

Nhà ông Tài nằm trong DA khu công nghiệp (KCN) Xuân Thới Thượng “treo” 14 năm qua. Phía trước nhà ông Tài là con đường rộng chừng 5 m, không ngay hàng thẳng lối "vì khi mở rộng đường thì có nhà đồng ý, nhà thì không, nhà hiến đất nhiều, nhà hiến đất ít". Cũng như bao hộ dân thuộc diện DA “treo”, nỗi bức xúc lớn nhất của ông Tài là không thể tách thửa đất cho 5 người con, muốn xây nhà kiên cố 2 - 3 tầng cũng không được.

KCN Xuân Thới Thượng có quy mô 300 ha được Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 2008, định hướng phát triển ngành công nghiệp nhẹ, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm. Năm 2010, UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương giao cho một công ty cổ phần làm chủ đầu tư. Do chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết nên H.Hóc Môn đề xuất thu hồi văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư. Đến nay, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000 KCN này vẫn chưa được thực hiện, và DA vẫn chưa có chủ đầu tư mới. Thống kê hồi tháng 6.2021, trong khu vực có hơn 2.200 hộ dân, doanh nghiệp sử dụng đất và công trình; trên đất có 871 căn nhà…

“Treo” quy hoạch KCN Xuân Thới Thượng đã gây ra nhiều hệ lụy cho người dân. Từ đường Phan Văn Hớn tấp nập buôn bán 2 bên, rẽ vào đường Phạm Văn Sáng chừng 1 km, những cánh đồng hoang hóa hiện ra, người dân chỉ trồng ít luống rau, chăn thả trâu bò cạnh những bức tường lợp tôn bên ngoài. Đi sâu vào trong một vài con hẻm, đa số nhà dân đều tạm bợ, xập xệ, đường sá lầy lội, bụi mù khi xe ba gác chạy qua.

“Nếu DA không còn khả thi nữa thì hủy sớm, rồi điều chỉnh quy hoạch để người dân xây dựng, chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng nhà xưởng làm ăn”, bà Nguyễn Thị Thanh (ngụ ấp 2, xã Xuân Thới Thượng) đề nghị.

Ngoài KCN Xuân Thới Thượng ở H.Hóc Môn, trên địa bàn H.Củ Chi cũng có KCN Bàu Đưng (rộng 175 ha ở xã An Nhơn Tây) và KCN Phước Hiệp (rộng 200 ha ở xã Trung Lập Hạ và xã Phước Hiệp) được quy hoạch cùng thời điểm nhưng đến nay chưa triển khai.

Nhiều hộ dân trên đường Phan Văn Bảy, xã Hiệp Phước (H.Nhà Bè) chỉ được xây nhà tạm do vướng quy hoạch treo khu đô thị cảng Hiệp Phước

Cả xã cùng bị “treo”

Trên địa bàn xã Hiệp Phước (H.Nhà Bè) hiện có nhiều căn nhà được xây tạm bợ, nhiều khu đất trống bỏ không. Ông Nguyễn Khắc Duyên (53 tuổi, ngụ ấp 1, xã Hiệp Phước) cho hay ông nghe đến quy hoạch khu đô thị cảng Hiệp Phước cả chục năm nay nhưng đến giờ vẫn không thấy động tĩnh gì. Mới đây, khi căn nhà cũ xuống cấp nghiêm trọng, cột gỗ mục ruỗng, mái dột nát, ông Duyên nộp đơn lên xã xin sửa nhà. Xã cử cán bộ xuống thẩm định rồi mới đồng ý cho sửa lại, nhưng cũng chỉ được sửa tạm bợ.

Ông Võ Phan Lê Nguyễn, Phó chủ tịch UBND H.Nhà Bè, cho biết toàn bộ xã Hiệp Phước nằm trọn trong quy hoạch khu đô thị cảng Hiệp Phước với diện tích hơn 3.900 ha. Khu đô thị cảng Hiệp Phước do Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) làm chủ đầu tư, được xây dựng theo 3 giai đoạn: giai đoạn 1 đầu tư vào các KCN, giai đoạn 2 đầu tư hệ thống cảng và dịch vụ cảng, giai đoạn 3 phát triển một khu đô thị với quy mô gần 200.000 dân. Thế nhưng do tiến độ đầu tư chưa triển khai đồng bộ nên nhiều diện tích đất, nhà của dân bị “treo”.

“Vừa qua, huyện đã báo cáo thành phố thúc đẩy nhanh DA này, còn trước mắt vẫn phải quản lý theo quy hoạch”, ông Nguyễn nói. Ngoài ra, UBND H.Nhà Bè cũng đang phối hợp Sở QH-KT khoanh lại một khu dân cư hiện hữu để điều chỉnh quy hoạch, đảm bảo quyền lợi đầy đủ cho người dân về chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, xây dựng nhà ở. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.