Rưng rưng vì cảm thông với nỗi khổ của bệnh nhân rơi vào tình cảnh này. Không thể chỉ nói là thủ tục hành chính đã bộc lộ sự “máy móc”, “vô cảm” mà phải nói thẳng là “cay nghiệt”. Để những người có hành xử như thế với dân không phải chỉ giật mình ân hận, mà phải đối mặt với lương tâm, với công luận để tu chỉnh.
tin liên quan
Bệnh nhân ung thư đi 250 km chỉ để bổ sung hai chữ 'hồ sơ'Rồi là rưng rưng vì nghịch lý. Sao những người đang ăn đồng lương từ tiền thuế của dân, đang hưởng quỹ lương từ chính đồng tiền đóng bảo hiểm mà người dân đóng góp lại có thể hành xử như thế với người dân trả lương cho mình. Chính những người này đã phá hoại nỗ lực thay đổi, tiến bộ trong phục vụ người dân mà Chính phủ chủ trương phấn đấu.
Đừng nhân danh nghiệp vụ hay thủ tục để biện minh cho chuyện này. Câu chuyện buộc bổ sung hai chữ “hồ sơ” không chỉ cho thấy thái độ hành xử mà còn cả sự yếu kém về chuyên môn nữa. Hồ sơ phải được hiểu chung là những loại văn bản giấy tờ ghi nhận quá trình và kết quả xử lý công việc. Theo đó, “bệnh án” đã là một thành phần hồ sơ rồi, “tóm tắt bệnh án” cũng là một thành phần hồ sơ rồi. Cớ sao phải có thêm hai chữ “hồ sơ” làm gì nữa?
Cũng đừng viện dẫn “làm theo mẫu”. Dẫu đúng là mẫu “tóm tắt hồ sơ bệnh án” ban hành kèm theo Thông tư số 56/2017/TT-BYT của Bộ Y tế có tồn tại hai chữ “hồ sơ”. Nhưng hai chữ “hồ sơ” ấy không phải là bản chất của yêu cầu kiểm soát trong quản lý thủ tục y vụ. Bỏ hai chữ “hồ sơ” ấy ra, chẳng có thông tin quản lý nào bị thiếu hụt mà cũng chẳng có yêu cầu quản lý nào bị sai phạm.
Vậy mà, vì hai chữ “hồ sơ” vô nghĩa lý ấy, một bệnh nhân ung thư phải vượt 250 km để xin bổ sung. Là bệnh nhân ung thư - những người chắc chắn phải đối mặt với cuộc chiến cam go của số phận mà bất cứ ai cũng cảm thấy xót xa chia sẻ.
Chúng ta thử đặt câu hỏi. Là thói quen máy móc, hay là yếu kém nghiệp vụ, hay là thói vô cảm, hay là chiêu trò gì khác nữa đã tạo ra một câu chuyện bất nhẫn như thế?
Bình luận (0)