Ớt chín rũ, nông dân vẫn không hái vì giá rớt thê thảm - Ảnh: Trần Hiếu |
Đang vào niên vụ nhưng hàng trăm ha ớt của người dân dù chín rũ ngoài đồng, nông dân vẫn không buồn hái. Nhiều gia đình đã chấp nhận bị lỗ, nhổ bỏ vườn ớt để trồng các loại cây khác. Thời điểm này, giá ớt rớt thê thảm, chỉ còn 6.000 - 8.000 đồng/kg thay vì gần 30.000 đồng/kg như lúc cao điểm đầu vụ. Ông Trần Quang Tới ở xã Tân An, H.Đắk Pơ ngao ngán: “Gia đình tôi đành cắn răng nhổ bỏ hai sào ớt đang thu hoạch. Công hái đã gần 5.000 đồng/kg, rồi tiền phân bón, thuốc trừ sâu, chăm sóc tốn bộn tiền rồi. Năm ngoái tôi lãi được 50 triệu đồng, năm nay thì trắng tay”.
Hàng trăm nông dân trồng ớt ở Gia Lai điêu đứng bởi mắc vào chiêu “thổi giá” của thương lái. Niên vụ ớt năm trước cũng như đầu niên vụ năm nay, giá ớt được “thổi” lên đến gần 30.000 đồng/kg. Đây chính là nguyên do khiến nhiều nông dân vùng phía đông tỉnh Gia Lai ồ ạt dành đất trồng ớt, nhiều người trồng đến gần cả ha, ít thì cũng vài sào. Vô tình, khu vực này trở thành một vùng chuyên canh ớt không chính thức của Gia Lai dù các cơ quan chức năng đã có khuyến cáo.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Gia Lai, tổng diện tích trồng ớt của các huyện, thị phía đông Gia Lai lên đến gần 1.646 ha, tập trung ở các huyện Kon Chro (409 ha), Đắk Pơ (650 ha) và TX.An Khê (gần 300 ha)…Phong trào trồng ớt rầm rộ đã đẩy nhiều nông dân vào cảnh nợ nần. Trung bình đầu tư cho 1 sào ớt là gần 10 triệu đồng. Với giá ớt 15.000 đồng/kg, người dân mới có lãi. Chị Tâm, một nông dân ở TX.An Khê nói: “Năm trước xe đông lạnh từ Bình Định ùn ùn lên đây mua ớt với giá cao ngất, ai cũng muốn trồng ớt. Họ mua về dưới ấy rồi nhập lại cho thương lái Trung Quốc. Giờ thì thương lái lặn một hơi, chúng tôi bị ép giá thê thảm”.
“Phát triển nguyên liệu phải gắn với các nhà máy chế biến. Loại cây này không hề nằm trong cơ cấu các loại cây trồng chủ lực của tỉnh. Nông dân đã tự làm hại mình khi không nghe theo khuyến cáo của ngành chức năng”, ông Lịnh nói.
Trần Hiếu
Bình luận (0)