1. Ngày còn sống, mỗi lần kể về Hà Nội, ông ngoại tôi thường bắt đầu bằng câu “Hà Nội ở xa lắm”. Hà Nội ở xa lắm nhưng trong những câu chuyện của ông. Chúng tôi vẫn tưởng tượng ra một Hà Nội cổ kính, có cầu Thê Húc màu đỏ son, có cụ Rùa Hồ Gươm, có làng hoa Ngọc Hà, có làng đào Nhật Tân. Hà Nội - thủ đô của cả nước lúc nào cũng nhộn nhịp, đông vui, người xe qua lại như mắc cửi.
Ông kể về Hà Nội của ngày chiến tranh, bom Mỹ phá nát những ngôi nhà, những con phố, trùm lên bao đau thương, tang tóc. Nhưng Hà Nội không chịu khuất phục. Hà Nội bắn rơi máy bay B52 của Mỹ. Hà Nội làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ trên không. Qua những câu chuyện của ông, Hà Nội hóa thân thành một chàng dũng sĩ đánh thắng tên khổng lồ gian ác. Bởi vậy, khi nghe chiếc đài cát-xét nhỏ của ông vang lên: “Đây là Đài tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, chúng tôi lại mơ ước một lần được ra Hà Nội, viếng lăng Bác, thăm Hồ Gươm, ăn kem Tràng Tiền. Trong trí óc non nớt của chúng tôi lúc ấy, được ra thăm Hà Nội là một điều gì đó thật lớn lao, những người được “ra thăm Hà Nội” là những người thật “oách”, thật hạnh phúc và vui sướng.
Nhưng mãi đến tận khi lớn lên tôi mới được biết, cả cuộc đời của mình, ông ngoại chưa từng một lần được “ra thăm Hà Nội”. Dù rằng khoảng cách từ Hà Nội về đến quê tôi chỉ 100 cây số. Cái khoảng cách mà bây giờ, khi đã có đường cao tốc, chỉ cần ngồi trên xe dịch vụ, nghe hết vài bản nhạc là xe đã đỗ tận cổng nhà. Nhưng với ông ngoại tôi, một người cả một đời lam lũ, cơ cực, ba tháng mất cha, mười tuổi mồ côi mẹ, hơn bốn mươi tuổi đời lại mất vợ, một mình gồng gánh nuôi đàn con 7 đứa khôn lớn, thì cái khoảng cách ấy quả là xa lắm.
Những câu chuyện về Hà Nội ông có được thông qua sách, báo, qua chiếc đài cát-xét đã cũ, giọng phát thanh viên lúc nào cũng nghe rè rè. Ông chưa từng được ra thăm Hà Nội, nhưng những câu chuyện của ông đã nhen nhóm trong lòng chúng tôi niềm tự hào về đất nước, về mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến của Tổ quốc. Tôi tin rằng, ông cũng luôn mơ ước một lần được ra thăm Hà Nội, xem bắn pháo hoa vào dịp mùng 2.9, nên những câu chuyện của ông mới cuốn hút và say mê đến thế.
2. Lần đầu tiên tôi được ra thăm Hà Nội là vào kỳ nghỉ hè năm lớp hai. Để thưởng cho tấm giấy khen học sinh tiên tiến, bố mẹ tôi đăng ký cho tôi tham gia chuyến thăm quan Hà Nội do đoàn Thanh niên xã tổ chức. Lần đầu tiên được ra Hà Nội, được viếng lăng Bác, thăm Bảo tàng Quân sự, tất cả đều mới mẻ và lạ lẫm. Hơn hai mươi năm trôi qua, tôi vẫn còn nhớ được những kỷ niệm của chuyến đi đầu tiên ấy. Vẫn nhớ được rằng, lúc về đã mua ba chiếc bánh mì Hà Nội làm quà cho những đứa em ở nhà.
Và đến giờ, mỗi lần nhớ đến chuyến thăm quan Hà Nội lần đầu tiên của mình, trong tôi vẫn rưng rức một niềm thương. Nhà nghèo, để tôi được tham gia chuyến đi ấy, bố tôi đã phải chắt chiu những đồng tiền từ mấy ngày công đi phụ hồ, mẹ đã mang chiếc áo sơ mi dài tay duy nhất mà mẹ có sửa thành áo cho tôi mặc. Chuyến đi đong đầy tình yêu của bố mẹ tôi đến thế hỏi làm sao mà không nhớ, không thương cho được. Nhớ để thấy mình hạnh phúc vì dẫu nghèo nhưng bố mẹ đã cho mình một tuổi thơ đủ đầy những yêu thương.
3. Hà Nội còn là nơi gửi gắm những trông ngóng, mong chờ của chị em tôi. Những chiều ba chị em dắt nhau ra đầu ngõ ngóng những chuyến xe từ Hà Nội về ngang qua. Cứ ngóng đến khi bóng tối phủ kín, khi những ngôi nhà trong xóm đã sáng lên ánh điện, quây quần với nhau bên bữa cơm tối, chị em tôi mới buồn bã dắt nhau về.
Để nuôi mấy đứa con được ăn học đàng hoàng, mẹ tôi ra Hà Nội làm giúp việc. Mấy tháng một lần, mẹ được về thăm nhà mấy ngày. Mẹ về, tíu tít những câu chuyện về Hà Nội. Mẹ may mắn gặp được đôi vợ chồng trẻ người Hà Nội tốt bụng nên thi thoảng được anh chị chủ nhà đưa đi đến những điểm nổi tiếng. Suốt những tháng năm xa mẹ, dằng dặc nỗi nhớ, tôi vẫn luôn thầm cảm ơn một Hà Nội bao dung, cảm ơn những con người Hà Nội đã giúp đỡ, cưu mang mẹ tôi và biết bao người cha, người mẹ khác trên con đường mưu sinh nhọc nhằn để nuôi nấng những khát khao cháy bỏng của con mình...
Rời xa quê, tôi sống ở nơi cách xa Hà Nội hàng nghìn cây số. Những hôm trở trời se se gió là biết Hà Nội đang trong đợt rét đậm. Chợt thương đến quay quắt lòng những mái hiên nhỏ nép mình bên vỉa hè, sẵn sàng rộng lòng cho những người mưu sinh giữa đêm đông tìm một góc nhỏ nương náu, như thương mẹ tôi của những năm tháng đã xa xôi giữa lòng Hà Nội, xin những chiếc áo ấm cũ gửi cho những đứa con nhỏ nơi quê nhà.
|
Bình luận (0)