Dang dở một ngôi nhà nhỏ

19/06/2016 09:00 GMT+7

Phi công Trần Quang Khải ra đi mãi mãi khi mong ước xây cho vợ con một ngôi nhà nho nhỏ, không phải sống cảnh thuê nhà, vẫn còn dang dở.

Sau 8 giờ đồng hồ di chuyển trong điều kiện trên biển có gió to và sóng lớn, lúc 4 giờ ngày 18.6, tàu biên phòng mang số hiệu BP-061901 chở thi thể thượng tá Trần Quang Khải, phi công máy bay Su-30MK2 bị rơi trên biển, đã cập cầu cảng Hải đội 2 Biên phòng Nghệ An (đóng tại TX.Cửa Lò, Nghệ An). Các đồng đội sau một đêm thức trắng chờ đợi, đã đón thi thể thượng tá Khải trở về đất liền.
Anh Khải đã ra đi mãi mãi
       Ảnh: Mai Thanh Hải
Tại thôn Tân Văn 2 (xã Tân Dĩnh, H.Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang), chính quyền, người thân và bà con lối xóm của anh Khải ngóng chờ thi thể của anh được đưa về từ Nghệ An. Ông Lê Duy Phương, Chủ tịch UBND xã Tân Dĩnh, cho biết chính quyền xã và gia đình đã chuẩn bị đầy đủ các thủ tục cơ bản, chuẩn bị mọi việc để tổ chức tang lễ khi thi thể phi công Khải được đưa về quê nhà. Ông Bùi Hữu Hạnh, Trưởng thôn Tân Văn 2, tâm sự: “Hàng xóm đều thương xót, từ hôm anh gặp nạn, ai cũng ngóng trông tin tức của Khải. Bà con đang dự kiến sẽ đến thăm hỏi, phúng viếng khi thi hài được đưa về”.
Trong ký ức của những người hàng xóm ở Bắc Giang, phi công Khải là một người nhiệt tình, tận tụy, được nhiều người yêu mến. Mang trong mình những tố chất của một người lính, mỗi lần được dịp nghỉ phép về quê, anh đều tranh thủ đi thăm hỏi, động viên những người dân trong xã.
Người thân của phi công Trần Quang Khải cho hay anh là con trai thứ 10 trong gia đình có 11 người con. Do đặc thù công tác, đến năm 2013, khi đã bước sang tuổi 40, anh Khải mới lập gia đình. Vợ anh Khải hiện làm giáo viên, 2 người đã có với nhau 1 con gái 3 tuổi.
Ông Trần Văn Đạt (chú ruột của phi công Trần Quang Khải) chia sẻ, anh Khải đóng quân ở Thanh Hóa, còn vợ con thuê nhà sống ở Hà Nội. Theo ông Đạt, lần gặp nhau cuối cùng của hai vợ chồng anh Khải cách đây nửa tháng. Tuy nhiên, lần đó anh Khải cũng chỉ tranh thủ được khoảng thời gian ít ỏi hơn 2 giờ đồng hồ để gặp vợ và đưa con gái đi chơi sau nhiều ngày xa cách làm nhiệm vụ.
Nói về dự định của người cháu, ông Đạt cho hay vợ chồng anh Khải dự định thời gian tới sẽ xây một căn nhà nho nhỏ ở Hà Nội để ổn định cuộc sống, cho vợ yên tâm công tác và có điều kiện chăm sóc con gái nhỏ. Nhưng rồi, anh Khải đã ra đi mãi mãi khi mọi dự định còn dang dở.
Nỗi buồn của ngư dân
Ông Đặng Thành Kính (ngụ tại xã Nghi Xuân, H.Nghi Lộc, Nghệ An) cùng 5 ngư dân đi trên tàu là những người đầu tiên phát hiện thi thể anh Khải.
Chia sẻ với chúng tôi từ tàu cá mang số hiệu 90554 TS đang lênh đênh trên biển, ông Kính kể sáng 17.6, tàu của ông ra khơi đánh bắt hải sản. “Trước khi ra khơi, chúng tôi đã biết 2 vụ tai nạn máy bay rơi trên biển và các lực lượng đang nỗ lực tìm kiếm các phi công nên trên đường đi, chúng tôi cũng tham gia tìm kiếm với hy vọng sẽ tìm thấy các anh ấy còn sống”, ông Kính nói.
Đến khoảng 16 giờ 45 phút, khi tàu của ông Kính đang ở vị trí cách khu vực khoanh vùng máy bay Su-30MK2 bị rơi về hướng đông bắc khoảng 17 - 20 hải lý thì ông phát hiện một vật thể màu vàng nổi trên biển. “Anh em chúng tôi rất hồi hộp và cầu mong đó là phi công đang bị mất tích, thầm mong anh ấy còn sống”. Nhưng nỗi buồn đau đã ập về khi ông và các ngư dân trên tàu nhìn thấy một người đã chết trong trang phục màu vàng bị quấn trong dù máy bay nổi trên biển. “Chúng tôi xác định ngay đó là phi công đang bị mất tích nên tôi gọi điện về báo cho ông Đậu Hồng Nghi, xóm trưởng xóm Xuân Dương (nơi gia đình ông Kính sinh sống - PV) để ông Nghi báo tin cho cơ quan chức năng. Ngay sau đó, chúng tôi cho tàu bám sát thi thể, chờ tàu cứu hộ của lực lượng chức năng”, ông Kính cho hay.
Nhận được tin báo, Ban Chỉ đạo tìm kiếm, cứu nạn đã điều động tàu cứu hộ Biên phòng Nghệ An đang tìm kiếm trên biển tiếp cận tàu cá của ông Kính xác minh tin báo. Sau gần 3 giờ đồng, tàu cứu hộ biên phòng đã đến được vị trí này. “Chúng tôi xác định việc tham gia tìm kiếm, cứu người là trách nhiệm của mình. Rất tiếc, khi chúng tôi tìm thấy thì phi công Trần Quang Khải đã hy sinh”, ông Kính buồn bã nói.
Theo thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân VN, công tác tổ chức tang lễ cho thượng tá Trần Quang Khải đã được bàn giao cho Quân chủng Phòng không - Không quân lên kế hoạch triển khai. Thượng tá Khải hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, cũng như các trường hợp khác, sẽ được Bộ Quốc phòng đề xuất để công nhận là liệt sĩ và được hưởng đầy đủ các chính sách hiện hành của quân đội.
Theo thông tin từ Quân chủng Phòng không - Không quân, lễ truy điệu thượng tá Khải đã được thống nhất tổ chức tại Nhà tang lễ Viện Quân y 4, Quân khu 4 (TP.Vinh, Nghệ An) theo nghi thức quân đội. Sau đó, Quân chủng Phòng không - Không quân sẽ tổ chức di quan về quê nhà tại Bắc Giang để gia đình tổ chức theo phong tục tập quán của địa phương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.